Bầu cử Venezuela: Cách mạng Bolivar trước thử thách đầy cam go

Cuộc bầu cử Quốc hội vào ngày 6/12 được đánh giá là cuộc đối đầu cam go nhất giữa trào lưu tiến bộ cánh tả với tư tưởng bảo thủ cánh hữu ở Venezuela trong 20 năm trở lại đây.
Bầu cử Venezuela: Cách mạng Bolivar trước thử thách đầy cam go ảnh 1Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 6/12 tới, hơn 19,5 triệu cử tri Venezuela sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử Quốc hội chọn ra 167 nghị sỹ đại diện cho mình trên khắp 24 bang và thành phố.

Cuộc bầu cử lần này được đánh giá là cuộc đối đầu cam go nhất giữa trào lưu tiến bộ cánh tả với tư tưởng bảo thủ cánh hữu ở Venezuela nói chung và khu vực Mỹ Latinh nói riêng trong 20 năm trở lại đây.

Nói đến Venezuela không thể không nhắc tới cố Tổng thống Hugo Chavez (1954-2013), người đã khởi xướng cuộc Cách mạng Bolivar xã hội chủ nghĩa ở nước Nam Mỹ.

Trong suốt 17 năm qua, kể từ khi ông Chavez lần đầu tiên giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử năm 1998 cũng đúng vào ngày 6/12, xã hội Venezuela đã có rất nhiều thay đổi.

Trước chính quyền Tổng thống Chavez, trong lịch sử quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới này chưa bao giờ nguyện vọng cũng như quyền lợi chính trị, kinh tế, xã hội và dân sự của những người dân nghèo được quan tâm.

Mặc dù nguồn thu từ dầu mỏ là không nhỏ, nhưng của cải chỉ tập trung trong tay các tập đoàn xuyên quốc gia và số ít tầng lớp người giàu, còn đa phần người dân là người nghèo đã bị gạt ra lề xã hội.

Trong giai đoạn 1999-2013, dưới ngọn cờ của cuộc Cách mạng Bolivar, lấy trọng tâm là các chương trình phúc lợi xã hội, Chính phủ của Tổng thống Chavez và Tổng thống đương nhiệm Nicolas Maduro, đều thuộc đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất (PSUV), đã đầu tư 650 tỷ USD cho các chương trình xã hội.

Đời sống của tầng lớp dân nghèo ở Venezuela đã được cải thiện nhờ các chương trình phân phối thực phẩm giá rẻ cũng như thức ăn cho các trường học.

Năm 2012, lần đầu tiên, Tổ chức Nông Lương thế giới (FAO) thừa nhận thành tích giảm tới 50% người thuộc diện cực nghèo ở Venezuela. Năm 2013, quốc gia này được vinh danh là một trong 15 nước có tiến bộ vượt bậc trong việc giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng.

Theo Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), chỉ số phát triển con người của Venezuela tăng từ mức 0,662 năm 2000 lên mức 0,748 năm 2012, tức là chuyển từ mức “trung bình” lên mức “cao.”

Với sự hỗ trợ của Cuba, nhiều chương trình xóa nạn mù chữ và y tế cơ bản đã được tiến hành hiệu quả trên toàn quốc, từ nông thôn tới thành thị.

Hàng triệu người già được hưởng lợi từ việc mở rộng hệ thống lương hưu, số lượng sinh viên đại học tăng trưởng mạnh, bên cạnh đó Nhà nước đang tiến hành chương trình hỗ trợ nhà ở rộng rãi.

Tỷ lệ thất nghiệp ở nước này đã giảm từ 14,5% năm 1999 xuống còn 5,5% trong năm 2014.

Ngày 5/3/2013, Tổng thống Chavez từ trần do bạo bệnh. Cách mạng Bolivar và con đường xã hội chủ của ông Chavez được đương kim Tổng thống Maduro và các thành viên PSUV tiếp tục theo đuổi.

Trong thời điểm hiện tại, Chính phủ Venezuela đang phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Là một trong 5 thành viên sáng lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Venezuela, chiếm tới 96% nguồn thu ngoại tệ của nước này.

Tuy nhiên, từ cuối năm ngoái, giá dầu lao dốc đã trở thành một thách thức lớn với đối với nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu dầu của Venezuela trong năm nay chỉ đạt 42,5 tỷ USD so với 74 tỷ USD năm 2014.

Ngoài ra, Venezuela hiện đang phải đương đầu với tình trạng khan hiếm lương thực và nhu yếu phẩm cũng như nạn lạm phát ở mức cao, với 70% vào năm ngoái và dự kiến con số này sẽ khoảng 80% trong năm nay.

Dự trữ ngoại tệ hiện nay của Venezuela chỉ đạt gần 15 tỷ USD, giảm mạnh so với mức xấp xỉ 22 tỷ USD hồi cuối năm ngoái và là mức thấp nhất kể từ năm 2003.

Bầu cử Venezuela: Cách mạng Bolivar trước thử thách đầy cam go ảnh 2Những người ủng hộ Tổng thống Nicolas Maduro trong chiến dịch vận động tranh cử của ông tại sân vận động ở Caracas ngày 1/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngoài các yếu tố kinh tế, tình hình chính trị Venezuela cũng đầy bất ổn. Phe đối lập được sự hẫu thuẫn của các thế lực thù địch bên ngoài không ngừng gây hấn và không từ bất kỳ thủ đoạn nào hòng bôi nhọ chính phủ, như đưa ra các thông tin bịa đặt về chính quyền của Tổng thống Maduro.

Ngày 3/12, phát biểu trước những người ủng hộ chính phủ, Tổng thống Maduro tuyên bố sẽ không từ bỏ theo đuổi sự nghiệp cuộc Cách mạng Bolivar cho dù đảng cầm quyền PSUV thất bại trong cuộc bầu cử.

Ông nhấn mạnh một Quốc hội do phe đối lập chiếm đa số sẽ là dấu chấm hết cho những “sứ mệnh xã hội” phục vụ tầng lớp người nghèo và dễ bị tổn thương nhất.

Tổng thống Maduro khẳng định sẽ luôn ở bên cạnh nhân dân và cuộc Cách mạng Bolivar sẽ bước sang một giai đoạn mới kể từ ngày 6/12 tới với bất kỳ kết quả nào.

PSUV cầm quyền đặt mục tiêu duy trì được đa số ghế ở cơ quan lập pháp. Hiện PSUV chiếm 99 ghế trong Quốc hội sắp mãn nhiệm.

Thách thức đối với Tổng thống Maduro và các thành viên của PSUV tới đây quả là không nhỏ, hy vọng rằng các cử tri Venezuela sẽ chọn cho mình một đường đi đúng đắn để thực hiện ước nguyện, khát vọng cháy bỏng của cố Tổng thống Chavez “Một thế giới tốt đẹp hơn là có thể”./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục