Bầu tổng thống ở Syria: Lá phiếu quyết định vận mệnh dân tộc

Ngày 3/6, hàng triệu cử tri Syria sẽ tham gia cuộc bầu cử tổng thống thực sự đầu tiên trong vòng hơn 50 năm qua của quốc gia Trung Đông này.
Bầu tổng thống ở Syria: Lá phiếu quyết định vận mệnh dân tộc ảnh 1Những người ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad tuần hành trong ngày kỷ niệm thành lập đảng Baath ở Damascus. (Nguồn: SANA)

Ngày 3/6, hàng triệu cử tri Syria sẽ tham gia cuộc bầu cử tổng thống thực sự đầu tiên trong vòng hơn 50 năm qua của quốc gia Trung Đông này.

Việc sự kiện chính trị quan trọng này được tổ chức theo đúng lịch trình thể hiện những nỗ lực nghiêm túc của chính quyền Damascus, đồng thời cho thấy tình hình Syria đang từng bước ổn định sau hơn 3 năm rơi vào nội chiến làm khoảng 160.000 người thiệt mạng và 2,7 triệu người phải đi lánh nạn.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Đảng Baath lên cầm quyền vào năm 1963, cuộc chạy đua giành chiếc ghế tổng thống Syria thu hút sự tham gia của nhiều ứng cử viên.

Trong tổng số 24 người đăng ký tranh cử, chỉ duy nhất 3 ứng cử viên hội đủ điều kiện và giành được sự chuẩn y của Tòa án Hiến pháp Tối cao, trong đó có nhà lập pháp Maher Abdel Hafiz Hajjar, cựu Bộ trưởng Phát triển hành chính Hassan Abdallah al-Nuri và Tổng thống sắp mãn nhiệm Bashar al-Assad - người lên kế tục cha mình vào năm 2010.

Chiến dịch vận động tranh cử kéo dài 3 tuần đã chính thức khép lại vào 7 giờ sáng ngày 2/6 theo quy định của Ủy ban bầu cử Syria. Bộ Nội vụ nước này cho biết tổng cộng gần 16 triệu cử tri trong và ngoài nước đủ tư cách tham gia bỏ phiếu.

Dự kiến, gần 9.600 địa điểm bỏ phiếu trên toàn quốc với khoảng 12.000 hòm phiếu sẽ đồng loạt mở cửa từ 7 giờ sáng đến 19 giờ ngày 3/6. Thời gian bỏ phiếu có thể kéo dài thêm 5 tiếng nhằm tạo điều kiện cho các cử tri thực hiện quyền công dân của mình. Các phái đoàn của 9 quốc gia, trong đó có Nga, Iran, Brazil, Venezuela và Philippines, sẽ tham gia giám sát tiến trình bỏ phiếu.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh phe đối lập vũ trang Syria, chủ yếu là các nhóm Hồi giáo thánh chiến và khủng bố có liên hệ với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, đang bị cô lập, chia rẽ và mâu thuẫn sâu sắc. Ý thức được động cơ thúc đẩy các chương trình nghị sự Hồi giáo của các thế lực ngoại bang, một bộ phận phiến quân trong nước đã hạ súng quay về với nhân dân.

Trong khi đó, thất vọng về bản chất cực đoan của phần lớn các nhóm phiến quân Syria, các nước Arab vùng Vịnh đang cố tìm cách lánh xa "đám cháy" khi nguy cơ lửa bén sang nhà mình ngày càng hiện rõ.

Trên thực tế, các nước này từ lâu đã ngấm ngầm phó mặc cho chính quyền Assad tồn tại vì thừa hiểu rằng ngoài nhà lãnh đạo này ra, hiện không ai có đủ khả năng để ngăn chặn và kiềm chế chủ nghĩa cực đoan đang lan tràn khắp Trung Đông-châu Phi.

Về phần mình, lực lượng quân đội trung thành với Tổng thống al-Assad và các lực lượng đồng minh đang ở thế thượng phong với những chiến thắng liên tiếp, giành lại quyền kiểm soát hàng loạt thành phố và vị trí chiến lược. Tình hình khu vực cũng đang diễn biến theo hướng có lợi cho chính quyền Syria.

Kết quả bước đầu trong các vòng đàm phán hạt nhân Iran cùng tin vui từ nước láng giềng Iraq khi liên minh cầm quyền người Shi’ite của Thủ tướng Nouri al-Maliki giành đa số phiếu trong cuộc bầu cử quốc hội mới đây càng tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng của ông Assad tiến tới kết thúc cuộc chiến đẫm máu.

Trái ngược với khẳng định của truyền thông phương Tây, thống kê mới nhất cho thấy khoảng 90% dân số Syria hiện đang sinh sống tại các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội Syria, đảm bảo đủ điều kiện để cuộc bầu cử tổng thống diễn ra thành công. Một tuần trước cuộc bầu cử, đông đảo kiều dân và người tị nạn đã tham gia bỏ phiếu sớm tại 43 đại sứ quán và cơ quan đại diện ngoại giao Syria ở nước ngoài.

Tại một số nước như Liban, người dân Syria đã xếp hàng dài để ghi tên vào danh sách cử tri ngay từ khi ngày bầu cử được công bố. Thời gian bỏ phiếu tại đây đã được kéo dài do số lượng cử tri đi bầu quá đông.

Hãng thông tấn chính thức SANA cho biết tỷ lệ đi bầu ở hải ngoại đạt tới 95% bất chấp nhiều quốc gia phương Tây và các nước Arab vùng Vịnh ngăn cấm người dân Syria bỏ phiếu trên lãnh thổ của họ với lý do cuộc bầu cử là "lố bịch" và là "trò chế nhạo nền dân chủ."

Kết quả trên chứng tỏ rằng người dân Syria đang rất quan tâm đến vận mệnh của dân tộc mình, ngay cả khi đang phải đối mặt với nhiều nỗi lo toan trong cảnh "tha hương cầu thực."

Sau hơn 3 năm phải hứng chịu những hậu quả nặng nề của cái gọi là "Mùa Xuân Arab" cũng giống như người dân các nước Tunisia, Libya và Ai Cập, hơn bao giờ hết người dân Syria hết sức thấm thía giá trị của sự ổn định và chán ngấy thứ "bánh vẽ" mà phương Tây ban phát khắp nơi.

Theo các nhà phân tích, điều mà cử tri Syria quan tâm nhất hiện nay là khôi phục an ninh, ổn định và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/6 sẽ là cơ hội để người dân Syria thể hiện ý thức trách nhiệm và nghĩa vụ cá nhân đối với vận mệnh của đất nước.

Thành công của cuộc bỏ phiếu sẽ là thông điệp rõ ràng về sự vững vàng của Syria trước sức ép mạnh mẽ từ các thế lực bên ngoài cũng như sự quyết liệt trong cuộc chiến chống khủng bố và các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục