Nhập nhiều ôtô và điện thoại đẩy chênh lệch thương mại lên cao

Bảy tháng nhập siêu 3,4 tỷ USD, kim ngạch ôtô nhập khẩu tăng gần 90%

Nhập siêu 7 tháng năm nay ước khoảng 3,4 tỷ USD, tương đương 3,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Đáng chú ý, nhập khẩu ô tô và điện thoại tăng mạnh là nguyên nhân đẩy chênh lệch thương mại lên cao.
Bảy tháng nhập siêu 3,4 tỷ USD, kim ngạch ôtô nhập khẩu tăng gần 90% ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

​Qua 7 tháng, nhập siêu ước đạt 3,4 tỷ USD, tương đương 3,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu. Đáng chú ý, nhập khẩu ô tô và điện thoại tăng mạnh là nguyên nhân đẩy chênh lệch thương mại lên cao.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 ước tính đạt 14,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 92,266 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 27,6 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 64,7 tỷ USD.

Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước như: Điện thoại các loại và linh kiện đạt 17,1 tỷ USD, tăng 28,2%; hàng dệt may đạt 12,6 tỷ USD, tăng 9,9%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 8,7 tỷ USD, tăng 57,8%; giày dép đạt 7,1 tỷ USD, tăng 22,3%; máy móc thiết bị dụng cụ phụ tùng đạt 4,5 tỷ USD, tăng 10,3%...

Tuy nhiên, nhiều mặt hàng có dấu hiệu đi xuống trong đó nhóm hàng nông lâm sản tiếp tục giảm mạnh cả về lượng lẫn giá trị. Đơn cử: Cà phê giảm 33,2% về lượng và giảm 33% về kim ngạch; gạo giảm 3,5% và giảm 8,7%, thủy sản đạt 3,6 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước...

Tổng cục Thống kê cho biết, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước tính đạt 18,9 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2014; tiếp đến là EU đạt 17,8 tỷ USD, tăng 13,2%; ASEAN đạt 10,7 tỷ USD, giảm 2,4%; Trung Quốc đạt 9,3 tỷ USD, tăng 8,3%; Nhật Bản đạt 7,9 tỷ USD, giảm 6,5%; Hàn Quốc đạt 4,3 tỷ USD tăng 17,5%.

Ở chiều ngược lại, Theo Tổng cục Thống kê, Kim ngạch nhập khẩu tháng Bảy ước đạt 14,8 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng Sáu, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 6,3 tỷ USD, tăng 1,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 8,5 tỷ USD, tăng 2,7%.

Tính chung 7 tháng, nhập khẩu của cả nước ước đạt 95,6 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39 tỷ USD, tăng 7,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 56,6 tỷ USD, tăng 23,1%.

Đáng chú ý, nhập khẩu ô tô sau 7 tháng đã đạt 3,4 tỷ USD, tăng 87,9% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng ô tô nguyên chiếc tăng 154,4%. Ngoài ra, nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện cũng đạt 6,1 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, nhập khẩu còn bị tác động bởi nhiều mặt hàng khác như: máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 16,6 tỷ USD, tăng 35,1%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 13,1 tỷ USD, tăng 34,5%; sản phẩm chất dẻo đạt 2,1 tỷ USD, tăng 23%; sắt thép đạt 4,7 tỷ USD, tăng 15,1%....

Sau 7 tháng, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 28,8 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Hàn Quốc đạt 16,2 tỷ USD, tăng 31,7%; ASEAN là 14,1 tỷ USD, tăng 5,3%; Nhật Bản là 8,5 tỷ USD, tăng 23,9%; EU là 5,3 tỷ USD, tăng 6,6% trong khi Hoa Kỳ là 4,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2014.

Như vậy, qua 7 tháng, nhập siêu của cả nước ước đạt 3,4 tỷ USD, tương đương 3,7% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 11,4 tỷ USD còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 8 tỷ USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục