Bến Tre cần lấy phát triển nông nghiệp bền vững làm trọng

Bến Tre cần xác định xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao và bền vững, theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh Bến Tre cần xác định xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao và bền vững, theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển các mô hình liên kết sản xuất làm trọng tâm để phát triển.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bến Tre về công tác xóa đói giảm nghèo, thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bến Tre ngày 17/1, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh biểu dương các kết quả trong thực hiện xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của Bến Tre.

Phó Thủ tướng cũng biểu dương một số cách làm, kinh nghiệm hiệu quả mà tỉnh đã có được sau ba năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đồng thời yêu cầu sớm tổng kết để nhân rộng. Việc xây dựng nông thôn mới cần đi vào thực chất, không chạy theo thành tích và cần lựa chọn các tiêu chí quan trọng để làm trước.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh việc phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân phải luôn luôn được ưu tiên vì đây là khâu khó nhất và quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Cao Văn Trọng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre thay mặt Ủy ban Nhân dân tỉnh báo cáo với Phó Thủ tướng và đại biểu các bộ ngành Trung ương về những kết quả của Bến Tre sau ba năm triển khai xây dựng nông thôn mới. Tỉnh đã huy động được 7.150 tỷ đồng, tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn và hỗ trợ phát triển sản xuất.

Đến nay Bến Tre đã có một xã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm); 17 xã đạt từ 10-14 tiêu chí; 99 xã đạt từ 5-9 tiêu chí; và bảy xã đạt bốn tiêu chí.

Về công tác xóa đói, giảm nghèo, Bến Tre đã kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 20,02% (năm 2006) xuống còn 8,59% (cuối năm 2013). Các chương trình an sinh xã hội như hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế, cho vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề cho lao động nông thôn… được triển khai rộng khắp đã đem lại nhiều cơ hội cho người nghèo, người dân nông thôn có điều kiện phát triển kinh tế, được chăm sóc y tế và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Các mô hình giảm nghèo như đan chổi cọng dừa (xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú), nuôi bò vỗ béo (xã Phú Ngãi, huyện Ba Tri), liên kết sản xuất vườn dừa (xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm)… được đánh giá đạt hiệu quả cao khi đem lại thu nhập ổn định cho người dân địa phương, giúp hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững.

Ông Võ Thành Hạo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre báo cáo với Phó Thủ tướng và đoàn công tác về một số khó khăn trong việc nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất. Nguyên do chủ yếu là do tỉnh chưa có các doanh nghiệp đủ mạnh, trong khi diện tích đất đai bình quân đầu người thấp, nông dân sản xuất chủ yếu là manh mún, nhỏ lẻ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục