Bến Tre đối mặt với tình trạng nước mặn lên sớm

Hiện nay, nước mặn lên sớm theo kênh Giao Hòa đổ vào sông Ba Lai - con sông được chọn thực hiện dự án thủy lợi ngọt hóa Bắc Bến Tre.
Theo cảnh báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Bến Tre, nước mặn ở địa phương này sâu hơn cùng kỳ năm 2010 và sớm hơn trung bình nhiều năm khoảng một tháng. Điều đáng lo ngại là nước mặn lên sớm theo kênh Giao Hòa đổ vào sông Ba Lai - con sông được chọn thực hiện dự án thủy lợi ngọt hóa Bắc Bến Tre.

Năm 2002, công trình ngăn sông Ba Lai và xây dựng cống đập ở hạ lưu được hoàn thành nhưng bảy năm sau (2009), chưa có hạng mục nào được đầu tư thi công thêm, do khó khăn về vốn.

Năm 2010, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới đầu tư nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai, vì thượng nguồn con sông này đã hẹp, cạn. Hạng mục này đang thi công. Tuy nhiên, nếu thực hiện xong việc nạo vét thượng nguồn sông Ba Lai mà chưa xây dựng hạng mục cống và âu thuyền trên kênh Giao Hòa, thuộc xã Giao Hòa (Châu Thành) và sông Chẹt Sậy, thuộc xã Phú Hưng (thành phố Bến Tre), thì chưa thể biến sông Ba Lai thành một hồ chứa nước ngọt được như mục tiêu của dự án thủy lợi ngọt hóa Bắc Bến Tre đã đề ra. Bởi vì, vào mùa khô, nước mặn từ sông Cửa Đại theo kênh Giao Hòa, đổ vào sông Ba Lai (kênh Giao Hòa dài khoảng 3km, nối sông Cửa Đại với sông Ba Lai).

Qua tìm hiểu ở Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre, hạng mục cống và âu thuyền trên kênh Giao Hòa đang được thiết kế, đến cuối tháng 3/2011 mới xong và tháng 6/2011 tổ chức đấu thầu thi công. Như vậy, mùa khô 2011, dự án thủy lợi ngọt hóa Bắc Bến Tre chưa thể phát huy tác dụng hoàn toàn và người dân tiếp tục sống chung với... mặn.

Dự án thủy lợi ngọt hóa Bắc Bến Tre là một trong những dự án thủy lợi lớn ở Đồng bằng sông Cửu long, tính đến thời điểm này, vốn đầu tư toàn bộ hơn 5.000 tỷ đồng. Quy mô của dự án là biến sông Ba Lai thành hồ chứa nước ngọt, phục vụ sản xuất cho 115.000ha đất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho 600.000 dân của năm huyện, thành phố: Bình Đại, Châu Thành, Ba Tri, Giồng Trôm và thành phố Bến Tre.

Giai đoạn 1 của dự án có vốn đầu tư 2.100 tỷ đồng, gồm nhiều hạng mục, trong đó có hạng mục quan trọng là cống và âu thuyền trên kênh Giao Hòa.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu tác động toàn cầu và trực tiếp là ở đầu nguồn sông Cửu Long, một số quốc gia đã, đang và sẽ xây dựng đập thủy điện, làm cho nguồn nước đổ về hạ lưu ít, đồng nghĩa với nước biển dâng cao, vào sâu ở hạ lưu sông Cửu Long, vì vậy việc đầu tư để hoàn thành dự án thủy lợi ngọt hóa Bắc Bến Tre trở nên cấp bách và thiết thực./.

Văn Trí (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục