Bệnh viện Xanh Pôn - Lá cờ đầu của ngành y tế Thủ đô

Những tiến bộ trong việc khám chữa bệnh của tập thể cán bộ, nhân viên đã đưa Bệnh viện trở thành lá cờ đầu trong ngành của y tế Thủ đô.
Bệnh viện Xanh Pôn - Lá cờ đầu của ngành y tế Thủ đô ảnh 1Điều trị cho trẻ em mắc cúm A/H1N1 tại Khoa lây, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. (Ảnh: Hữu Oai/TTXVN)

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu, Hà Nội nô nức đón đoàn quân chiến thắng trở về. Mùa Xuân năm 1955, thực dân Pháp chính thức bàn giao lại Bệnh viện Saint-Paul cho chính quyền Cách mạng.

Đến năm 1970, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã được thành lập trên cơ sở hợp nhất bốn đơn vị, trong đó có Bệnh viện Saint-Paul với nhiệm vụ chủ yếu là khám chữa bệnh cho cán bộ công nhân viên và nhân dân khu phố Ba Đình, đầu ngành của thành phố về ngoại khoa, sản phụ khoa, nhi khoa.

Nói về quá trình phát triển của Bệnh viện, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Phạm Ý Nhi đã ghi những dòng tâm sự, Bệnh viện đã trải qua chặng đường gian nan nhưng cũng đầy vinh quang và tràn ngập tự hào.

Để có được lòng tin sâu sắc của người bệnh và nhân dân, tập thể Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn của các thế hệ trong chiến tranh cũng như thời bình đã không ngừng nâng cao trình độ, truyền thụ kiến thức, đoàn kết, gắn bó cùng nhau xây dựng Bệnh viện trở thành bệnh viện đa khoa hoàn chỉnh hạng I của Thủ đô, hết lòng vì sự nghiệp bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Sự đầu tư quyết liệt và đồng bộ

Năm 2012, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn được Ủy ban Nhân dân Thành phố cho phép thực hiện ghép thận tại bệnh viện. Đây là một phần trong giai đoạn 1 của đề án “Phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người của ngành Y tế thành phố Hà Nội đến năm 2015.”

Bệnh viện đã sửa sang lại cơ sở hạ tầng, xây dựng khu nhà Nội, thành lập khoa Thận nhân tạo, cải tạo tầng 4 nhà A1 thành khu phòng mổ hiện đại và đầu tư trang thiết bị, mời chuyên gia nước ngoài và trong nước đến kiểm tra, khảo sát, thẩm định và rà soát toàn bộ các công trình, đảm bảo chất lượng phục vụ tốt nhất cho công tác ghép thận. Đến nay, bệnh viện đã thực hiện thành công 4 ca ghép thận, đánh dấu bước tiến vượt bậc của bệnh viện.

Đánh giá về thành công của bệnh viện, tiến sỹ Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh, ca ghép thận thành công đã mở cơ hội không chỉ cho các bệnh nhân ghép thận, mà còn cho nhiều mặt bệnh khác, không chỉ tạo bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của bệnh viện, mà còn trực tiếp góp phần nâng cao thương hiệu và chất lượng điều trị của bệnh viện.

Việc quyết định chọn kỹ thuật ghép thận ở người là quyết định có tính đột phá, hướng tới hoàn thiện đề án “Phát triển kỹ thuật ghép bộ phận cơ thể người của ngành Y tế Hà Nội đến năm 2015” mà trước mắt là giai đoạn 1 triển khai ghép thận thường quy, đặt mục tiêu đến năm 2015 ghép tế bào gốc và ghép gan thành công.

Điểm sáng

Năm nay, Bệnh viện đã khánh thành khu nhà điều trị Nội 4 tầng, cơ sở hạ tầng được sửa sang và nâng cấp đồng bộ, mua sắm nhiều trang thiết bị, triển khai thành công các kỹ thuật mới và chuyên sâu phục vụ khám chữa bệnh.

Điển hình như trong phẫu thuật nội soi, bệnh viện hợp tác với Bệnh viện Limoge (Pháp) phát triển mổ nội soi lồng ngực, tiêu hóa, tiết niệu; chuyên khoa Ngoại thần kinh hoàn thiện kỹ thuật mổ u não có sử dụng hệ thống vi tính dẫn đường (Neuronavigation), triển khai kỹ thuật mổ vi phẫu dây thần kinh số 5 và số 7, thực hiện các phẫu thuật phức tạp vùng đầu mặt cổ.

Trong phẫu thuật tạo hình triển khai những kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam như sử dụng vạt da xuyên ngực lưng trong tạo hình khuyết phần mềm trên cơ thể, làm mỏng vạt da bằng kính hiển vi, tạo hình dương vật một thì… Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình đã triển khai các kỹ thuật như thay khớp háng và khớp gối toàn bộ, phẫu thuật gù vẹo cột sống, phẫu thuật lấy nhân thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng bằng kính vi phẫu, ghép xương, nối vi phẫu…

Chuyên khoa Nhi triển khai kỹ thuật nội soi tiêu hóa có gây mê cho trẻ em, kỹ thuật lọc máu cứu sống nhiều bệnh nhân nhiễm trùng huyết nặng.

Chuyên khoa Nội triển khai nhiều kỹ thuật thăm khám chuyên sâu như nội soi phế quản ở trẻ em và người lớn, kết hợp sinh thiết, chải rửa phế quản. Điều trị can thiệp tim mạch đã triển khai đặt Stent mạch vành cho hàng trăm bệnh nhân, đã cứu sống bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp trong 2 giờ đầu, đồng thời tiến hành điều trị can thiệp các bệnh lí tim bẩm sinh.

Chuyên ngành Chẩn đoán Hình ảnh đã phát huy hiệu quả hệ thống DSA, nhiều kỹ thuật cao đã được triển khai; trong đó có những kỹ thuật đầu tiên và duy nhất đang thực hiện tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. Các kỹ thuật vượt trội có thể kể như nút điều trị dị dạng và phình mạch não; đặt stent đường mật…

Những tiến bộ trong công tác khám chữa bệnh của Bệnh viện đã thể hiện nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên trong quá trình phấn đấu xây dựng để trở thành bệnh viện đa khoa đầu ngành của y tế Thủ đô, xây dựng được niềm tin của bệnh nhân đối với bệnh viện.

Với sự nỗ lực không ngừng trong công tác khám chữa bệnh, hàng năm Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn đã nhận được nhiều sự cảm ơn từ người bệnh và gia đình. Đó là những lời động viên quý báu dành cho mỗi cán bộ, viên chức của bệnh viện và cũng là lời nhắn nhủ các y bác sỹ phấn đấu hoàn thiện mình hơn nữa để xứng đáng với sự tin yêu của người bệnh.

Lá thư của bệnh nhân Lê Thị Ngà gửi ngày 23/2/2011 tới y bác sỹ Bệnh viện là một trong rất nhiều bệnh nhân đã bày tỏ lòng cảm ơn, tin tưởng đối với các y, bác sỹ của bệnh viện: “Nhân ngày 27/2 sắp tới, tôi viết thư này để gửi đến các bác sỹ, y tá, nhân viên bệnh viện lời cảm ơn chân thành sâu sắc từ gia đình và đặc biệt là hai con của tôi đã được các bác sỹ trả lại cho người mẹ.

Đó đây, tôi cũng nghe thấy những phàn nàn về bác sỹ không tận tình với bệnh nhân, nhưng qua thực tế bản thân tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, giữa lúc sự sống và cái chết mong manh, các bác sỹ đã tận tình cứu chữa một bệnh nhân vô danh như tôi thoát khỏi tử thần. Ca mổ thực hiện ngay trong giờ nghỉ trưa làm tôi và gia đình rất cảm động trước tấm lòng vô bờ bến của các bác sỹ, y tá, hộ lý khoa cấp cứu đối với người bệnh."./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục