Bếp củi giữa phố

Bếp củi giữa phố: Ấm phận nghèo trong giá rét

Hà Nội đang trải qua những ngày rét kỷ lục, dù gây phiền toái, những "bếp lửa di động" vẫn hữu ích với người lao động nghèo xa quê.

Nhiều ngày nay, trên một số con phố, vỉa hè Hà Nội xuất hiện dày đặc những "bếp lửa" di động của dân nghèo và người lao động xa quê, phần nào làm dịu bớt cái rét như cắt da cắt thịt.

Đêm! Hà Nội lạnh thấu xương, gió len lỏi, gặm buốt những thớ thịt của người đi đường là lúc tôi khoác áo xuống phố với hy vọng "mục sở thị” những cư dân nghèo đang gồng mình chống lại giá rét.

Con phố Tây Sơn có chiều dài chưa đầy 2km nhưng dễ có đến gần chục bếp lửa bập bùng, "mời gọi" những ai đang đi trên phố. Nói là bếp cho nó… oách, chứ thực tế chỉ có hai viên gạch, vài cành củi khô… Thế nhưng, nó lại quý giá đến lạ kỳ với những người lao động tỉnh lẻ, đang co ro vì tiết trời giá buốt.

Đa phần, những bếp lửa này được nhóm cạnh hàng quán trà đá ở vỉa hè. Chủ nhân của nó là cánh xe ôm, lao động tỉnh lẻ đợi việc, dân công sở, sinh viên…

Anh Hoan, quê Yên Bái làm nghề lái xe ôm, vừa xì xụp chén trà bốc khói, xoa xoa đôi bàn tay tím tái bên bếp lửa, bảo rằng, mấy hôm nay, không có bếp lửa này chắc cánh xe ôm chả dám ra đường. Thời tiết gì mà lạnh buốt tận xương!

“Đêm đến, cái rét gấp hai, ba lần, anh em lao động không tài nào chợp mắt được bằng những chiếc chăn mỏng, tạm bợ, sơ sài của phòng trọ chung. Bếp lửa ngoài phố, bếp lửa trong xóm nghèo cũng giúp anh em chúng tôi vượt qua cái giá rét," anh Hoan bùi ngùi.

Những đống lửa được nhóm lên cũng khiến đám học sinh tan học sà xuống hơ tay cho đỡ rét. Một số thanh niên còn tỏ ra thích thú, bởi họ lần đầu tiên được sống trong cảnh thôn dã với bếp lửa hồng.

Bác Ngụ, từ Thanh Hóa ra Hà nội làm thợ xây, tay vân vê điếu thuốc lá Du lịch, cầm que củi châm lửa. Rít một hơi dài, bác chia sẻ: "Sợ nhất là trời mưa, củi ướt, không nhóm nổi lửa mà sưởi. Những ngày này việc làm ế ẩm, lại nghe tin ở quê gia súc đang bệnh tật, chết dần vì rét mướt. Cơ cực lắm cô ạ.”

Bà Dần, bán trà đá trên vỉa hè Đại học Thủy Lợi thì phân trần về bếp lửa của mình: “Nhóm lửa bên vỉa hè là bị cấm đấy, nhưng lạnh thế này phải đốt ‘chui’ thôi, được phút nào hay phút ấy. Cháu xem, ngồi quán cóc vỉa hè chủ yếu là dân lao động xa quê, sinh viên nghèo, có cái bếp lửa cũng như chiếc áo ấm...”

“Một lát nữa thôi, cháu sẽ thấy nhiều anh mũi lõ, cô đầm có tiếng là người xứ lạnh vẫn phải ghé vào quán tập uống trà nóng, nói xì xà xì xồ xin phần sưởi bếp, ngộ lắm," bà Dần tiếp lời.

Thế nhưng, giọng bà hàng nước cũng nghèn nghẹn, kể, có lần, một thanh niên lao xe từ trong ngõ, bất cẩn xuýt va vào đống lửa, làm đôi giày bị bám chút bụi than. Bà Dần chưa kịp cười xòa, hỏi thăm, người ấy đã giận giữ quát: “Điên à, rét thì về nhà, đốt lửa ở đây khói mù mắt, ai nhìn được.”

Trên thực tế, việc đốt lửa sưởi ấm cũng gây không ít phiền hà cho người đi đường cũng như cư dân xung quanh. Khi có cơn gió thốc qua, bụi từ những chiếc bếp di động sẽ bay tứ tán rất khó chịu. Những hôm gặp trời mưa, tro bẩn bê bết trên đường phố, khiến những người lao công thêm phần vất vả.

Chị Hoa, nhân viên môi trường đang lúi húi quét một bếp lửa tàn bên vệ hè phố Chùa Bộc, bực dọc: "Mấy hôm nay rồi, chúng tôi đến chết để dọn những đống than, củi chỏng chơ này. Lạnh quá khó mà cấm họ đốt lửa sưởi ấm, nhưng các vị ấm rồi phải có ý thức dọn dẹp, không thể biến chúng tôi thành nạn nhân được..."

Bác Ích, nhân viên môi trường ngao ngán nhìn đống củi bày bừa trên vỉa hè đường Giải Phóng, thở dài: "Hôm nào, trời mưa gió thì đến khổ với loại rác mới này. Bởi, những đống tro tha hồ tung tóe, bám chặn lấy mặt đường trở thành thứ bụi bẩn khó kiểm soát.”

Ở những vỉa hè mới được làm mới, gạch còn đỏ au, nhưng những đống lửa đã làm hằn rõ những mảng cháy, nhem nhuốc. Còn tại những con phố mà vỉa hè cũ, những bếp lửa di động này sẽ khiến bề mặt nền, gạch bị nứt, vỡ thủng.
Chị Hoa bực dọc: “Có lẽ chúng tôi sẽ kiến nghị dân phòng, công an phường vào cuộc để dẹp bỏ.”

Thế nhưng, với cái rét kéo dài như thế này, dù không muốn, những chiếc bếp lửa di động trên vỉa hè Hà Nội sẽ vẫn xuất hiện. Nghĩ cho cùng, người nhóm lên chúng cũng cực chẳng đã vì kế mưu sinh. Vậy nên, trước mắt cần ý thức cao của những người này trong việc nhóm ở đâu và phải thu dọn sạch sẽ khi sưởi xong, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng không tốt tới môi trường, mỹ quan thành phố./.

Thiên Minh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục