“Bi kịch lạc quan” của một cố họa sỹ Việt tài danh

Những sáng tạo độc đáo của cố họa sỹ Trần Trung Tín, người được ví như Edvard Munch sẽ lần đầu tiên triển lãm với quy mô lớn tại HN.
Lần đầu tiên, những tác phẩm sáng tạo độc đáo của cố họa sỹ Trần Trung Tín (1933-2008) sẽ được tổ chức triển lãm với quy mô lớn nhất với tên gọi “Bi kịch lạc quan” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội từ ngày 19-30/10. Được báo chí nước ngoài ví như Edvard Munch của Hà Nội, trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ (1964-1975), tại Hà Nội, người nghệ sỹ biểu hiện lớn nhất của Việt Nam ấy đã vẽ như để bày tỏ nỗi buồn thương phận người bị cuốn vào một trong những cuộc xung đột bi thảm nhất của thế kỷ XX. Vì thế, hội họa là nơi ông giãi bày nỗi niềm chất chứa trong lòng với hình ảnh những đứa trẻ lang thang và đói ăn; hình ảnh người đàn ông ôm mặt khóc trong giáo đường như thể sám hối; người phụ nữ ngực trần; những người đàn ông, đàn bà ngồi thiền, lần tràng hạt... Đó là môtíp thường thấy trong tranh Trung Tín. Ngoài ra là hình tượng các nữ chiến sỹ cầm súng và hoa, những ngôi nhà đổ nát và những mảnh đời mất mát của ông lấy lại cân bằng trong những miêu tả đầy dịu dàng về người tình, người mẹ và những tinh thần nổi loạn. Trần Trung Tín là họa sỹ không chuyên. Ông vẽ để đối phó với đời. Vẽ để khóc. Vẽ không dám cho ai coi. Vẽ không bán. Thậm chí vẽ xong còn phải giấu đi, vì đơn giản ở thời ông sống xã hội không chấp nhận lối tư duy như thế. Ông thực sự là một nghệ sỹ với tấn bi kịch cuộc đời.
“Bi kịch lạc quan” của một cố họa sỹ Việt tài danh ảnh 1
"Em không được đi học" của cố họa sỹ Trần Trung Tín
Sinh ra ở miền đồng bằng sông Cửu Long, Trần Trung Tín tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 12 tuổi và chiến đấu trên mặt trận Campuchia. Từ năm 1954, ông hành nghề diễn viên điện ảnh và viết kịch bản. Sau cuộc gặp định mệnh với cố danh họa Bùi Xuân Phái, người nghệ sỹ đa tài quay sang vẽ tranh để chính thức bước vào làng hội họa. Để rồi sau đó tranh của ông từng đi dự nhiều cuộc triển lãm quan trọng trên thế giới, bao gồm cả những triển lãm cá nhân của ông tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore và Bảo tàng Anh quốc tại London. Tác giả Sherry Buchanan cũng từng xuất bản tại Anh một cuốn sách giới thiệu về cố họa sỹ Trần Trung Tín của Việt Nam./.
Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục