Bỉ: Thủ đô Brussels "đứng dậy" sau loạt tấn công khủng bố

Tại Quảng trường La Bourse, trái tim của Brussels, hàng nghìn người dân tập trung ở đây bày tỏ tình đoàn kết, phản đối sự man rợ.
Bỉ: Thủ đô Brussels "đứng dậy" sau loạt tấn công khủng bố ảnh 1Quảng trường La Bourse trở thành nơi không thể thiếu để mọi người tới bày tỏ cảm xúc, sau loạt vụ tấn công khủng bố hôm 22/3. (Ảnh: Hương Giang/Vietnam+)

Những điều không mong đợi đã đến. Những gì bọn khủng bố đe dọa cho “nổ tung Brussels” sau loạt vụ tấn công hồi tháng Mười Một năm ngoái ở thủ đô Paris (Pháp) đã thành hiện thực.

Bốn tháng sau những gì kinh hoàng diễn ra ở Paris, thì sáng 22/3 không chỉ Brussels và nước Bỉ nói riêng mà cả thể giới bị sốc. Loạt vụ tấn công khủng bố liên hoàn đánh vào sân bay Zaventem, nơi tập trung đông hành khách đi và đến Bỉ, vào ga tầu điện ngầm Maelbeek, ở trung tâm Brussels, ngay sát trụ sở Liên minh châu Âu đúng giờ mọi người đi làm hàng ngày. Con số thương vong tạm thời : 31 người chết, 300 người bị thương. Bỉ công bố quốc tang 3 ngày.

Sau những đau thương mất mát, Brussels đã đứng dậy. Tại Quảng trường La Bourse, trái tim của Brussels, hàng nghìn người dân tập trung ở đây bày tỏ tình đoàn kết, phản đối sự man rợ. “Bỉ không chết, Bỉ không gục ngã. Bỉ tiếp tục sống”, một người dân khẳng định. “Chúng tôi đoàn kết với Bỉ, chúng tôi đoàn kết với Brussels. Tất cả chúng tôi đều là người Brussels”, một người khác nói thêm.

Quảng trường La Bourse trở thành biểu tượng của chống khủng bố. Nến được thắp để tưởng niệm các nạn nhân. Hàng ngày mọi người qua đây đặt hoa, cầu nguyện cho các nạn nhân. Ai cũng cố gắng viết một vài chữ trên lòng đường nhựa “Peace & love” (hòa bình và tình yêu), hay hình vẽ khoai tây chiên, biểu tượng ẩm thực của Brussels với dòng chữ “Hãy chiên khoai tây, đừng gây chiến tranh.”

Những quả bóng bay màu đen, vàng, đỏ - màu của quốc kỳ Bỉ, và cờ của các quốc gia trên thế giới, bằng chứng của thế giới chủ nghĩa tuyệt đối tại thủ đô của Bỉ được mọi người cầm trên tay. Những cái ôm thật chặt, thật ấm áp dù rằng không quen nhau. Những giọt nước mắt, những lời cầu nguyện cho những nạn nhân vô tội. Tất cả đều đong đầy cảm xúc. Nhiều thanh niên phất cờ hát vang. Một vài phụ nữ ngồi cầu nguyện. Tay trong tay, một vòng tròn lớn hình thành. Quảng trường La Bourse trở thành nơi không thể thiếu để mọi người tới bày tỏ cảm xúc.

Anh Loucka Fiagan, sinh viên năm thứ 2 Đại học Saint-Louis ở Brussels cho biết mọi người tập trung ở đây để bày tỏ tình đoàn kết, để cho những kẻ khủng bố thấy rằng tất cả đã vượt qua nỗi sợ hãi, đã quay lại cuộc sống bình thường, hành động của chúng chẳng có gì quan trọng, chẳng làm gián đoạn cuộc sống dù rằng phần lớn người dân ở đây phải chịu đau thương mất mát. Anh khẳng định sẽ vẫn tiếp tục sử dụng tầu điện ngầm như thói quen hàng ngày của anh.

Cầm trong tay tấm biển “Free Hug” (Ôm tự do), chị Alice Martinet, sinh viên trường Đại học HELB Erasme ở Brussels nói rằng vụ tấn công khủng bố không làm chị và các bạn khiếp sợ mà chỉ là một cú sốc vì chưa bao giờ Brussels lại phải hứng chịu đau thương như vậy và mọi người cũng không hề nghĩ tới những hành động man rợ này của bọn khủng bố. Mọi người đến đây ôm nhau, nhảy múa, ca hát. Những cái ôm thể hiện sự hòa hợp, hóa giải những bất đồng, định kiến, để đến với nhau trong tình bác ái.

Tại buổi tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố diễn ra tối 24/3 (giờ Hà Nội) ở Quảng trường Dân tộc (Place de la Nation), gần ga tàu điện ngầm Maelbeek, Thủ tướng Charles Michel nhấn mạnh: “Đất nước chúng ta bị sốc nhưng chúng ta rất mẽ và tự tin sống trong một nền dân chủ mà không ai có thể phá hủy.”

Thủ tướng Charles Michel gửi lời cảm thông tới những gia đình phải chịu đau thương, những người trong phút chốc bỗng mất đi người bạn đời của mình, những người bị thương phải giữ những vết sẹo không thể xóa nhòa trong cơ thể hoặc trong trái tim, hay những gia đình sống trong lo lắng khi chưa biết tin tức người thân.

Người đứng đầu chính phủ Bỉ nhắc tới sân bay Zaventem là nơi nhiều người có những kỳ niệm ở đây. Hay tầu điện ngầm là cuộc sống của thủ đô, nơi mà mọi người đi học, đi làm, ngồi đọc một cuốn sách hay nói chuyện phiếm với đồng nghiệp. Từ Zaventem tới Maelbeek là sự tự do hàng ngày bị tàn sát. Đó là sự tự do mà trên đó các dự án của châu Âu được xây dựng.

Thủ tướng Charles Michel khẳng định cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn. Không thể có vấn đề không bị trừng phạt. Bất kỳ người nào dù trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến các cuộc tấn công sẽ bị trừng phạt. Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền sẽ làm rõ về các cuộc tấn công cũng như toàn bộ các sự kiện khác. Sẽ không có vùng tối ở đây. “Dân chủ, tự do, Nhà nước pháp quyền, sự bao dung, hơn bao giờ hết là người hướng dẫn của chúng tôi”, Thủ tướng Charles Michel nhấn mạnh.

Kể từ tối 24/3, cảnh báo an ninh đã giảm một mức. Từ ngày 25/3, các tuyến tầu điện ngầm hoạt động trở lại. Brussels trở về nhịp sống bình thường và tiếp tục khoe vẻ cổ kính, quyến rũ của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục