Bí thư Thăng tổ chức hội nghị lắng nghe doanh nghiệp ngoại

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng yêu cầu doanh nghiệp ngước ngoài cần minh bạch liêm chính trong quá trình hoạt động của mình và đây cũng là yêu cầu từ phía chính quyền.
Bí thư Thăng tổ chức hội nghị lắng nghe doanh nghiệp ngoại ảnh 1Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Các doanh nghiệp nước ngoài cần tiếp tục nghiên cứu để có các dự án đầu tư, mở rộng đầu tư và đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh. Đây là đề nghị của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố với doanh nghiệp nước ngoài năm 2016 với chủ đề "Lắng nghe và đổi mới" tổ chức ngày 16/3.

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng khẳng định luôn tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp phát triển đầu tư, kinh doanh.

Doanh nghiệp ngước ngoài cần minh bạch liêm chính trong quá trình hoạt động của mình và đây cũng là yêu cầu từ hai phía. Mặt khác, doanh nghiệp cần quan tâm chăm lo tốt hơn cho đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động của mình, nhất là các vấn đề lương, nhà ở, bảo hiểm xã hội, chế độ chính sách xã hội... Đầu tư cho người lao động chính là đầu tư cho sự phát triển của doanh nghiệp, nâng cao năng suất lao động.

Tại hội nghị, nhiều vấn đề liên quan đến quá trình hoạt động, đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đã được các hiệp hội và doanh nghiệp nước ngoài nêu ra, kiến nghị với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh và các cơ quan chức năng của Việt Nam sớm xem xét, giải quyết.

Một trong những vấn đề được nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nêu ra là những quy định tại Thông tư 23 về nhập khẩu máy móc thiết bị cũ của Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7; trong đó, quy định không được nhập máy móc cũ trên 10 năm tuổi vào Việt Nam.

Theo ông Herb Corchan, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), có những máy móc thiết bị sản xuất và chất bán dẫn ôtô có thể sử dụng được 20 năm và nhiều hơn nữa được dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng đang gặp khó khăn.

Đề cập đến Thông tư này, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết một lượng lớn doanh nghiệp Nhật Bản đang dự tính đầu tư vào Việt Nam và nhập khẩu máy móc thiết bị nhưng đang gặp khó. Doanh nghiệp Nhật Bản từng kiến nghị phía cơ quan quản lý Việt Nam nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc để không làm giảm thiện chí của nhà đầu tư.

Các doanh nghiệp nước ngoài cũng đã nêu ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình đầu tư tại thành phố như: thủ tục hành chính, kê khai thuế, thủ tục hải quan, chất lượng nguồn nhân lực, cải thiện cơ sở hạ tầng...

Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, thời gian qua Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, tuy nhiên nguồn nhân lực chất lượng cao còn hạn chế và những bất cập này cần khắc phục sớm; các chính sách ưu đãi đầu tư cũng cần hợp lý hơn. Cùng đó, Thành phố cần quan tâm việc mở các lớp đào tạo tiếng Hàn để có nguồn nhân lực phục vụ nhu cầu giao thương giữa hai nước, đón nguồn đầu tư của các công ty Hàn Quốc khi TPP có hiệu lực.

Trước các kiến nghị của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định những vấn đề trong thẩm quyền của thành phố sẽ nhanh chóng giải quyết để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp; vấn đề vượt thẩm quyền sẽ kiến nghị các Bộ, ngành xem xét, sửa đổi phù hợp. Lãnh đạo thành phố lắng nghe doanh nghiệp để có hướng đổi mới về chính sách, quy định phù hợp hơn, tạo điều kiện, môi trường đầu tư thuận lợi, hấp dẫn hơn.

Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân; xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hữu ích và hiệu quả hơn thông qua việc thúc đẩy cải thiện thể chế, chính sách cho nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tổ chức nhiều hội nghị bàn tròn với các hiệp hội, doanh nghiệp nước ngoài để tiếp nhận ý kiến đống góp nhằm cải thiện môi trường đầu tư.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, tính lũy kế từ năm 1988 đến cuối năm 2015, Thành phố có 5.854 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng nguồn vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 40,02 tỷ USD. Trong năm 2015, Thành phố đã thu hút 4,5 tỷ USD vốn FDI, tăng 38,28% so với năm 2014, chiếm 19,8% của các nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục