BIDV ký hợp đồng vay phụ với 4 ngân hàng cấp tín dụng cho dự án VnSAT

BIDV được Chính phủ lựa chọn làm ngân hàng bán buôn, quản lý và cho vay lại số vốn tín dụng tương đương 105 triệu USD trong tổng số 238 triệu USD vốn vay của Dự án.
BIDV ký hợp đồng vay phụ với 4 ngân hàng cấp tín dụng cho dự án VnSAT ảnh 1Lãnh đạo các bên tham gia ký kết. (Nguồn: BIDV)

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa ký kết hợp đồng vay phụ với 4 ngân hàng được lựa chọn đợt I gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Hợp tác xã (Coop Bank), Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng Phương Đông (OCB) để cho vay lại số vốn tín dụng vay Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT).

Trong Dự án, BIDV được Chính phủ lựa chọn làm ngân hàng bán buôn, quản lý và cho vay lại số vốn tín dụng tương đương 105 triệu USD trong tổng số 238 triệu USD vốn vay của dự án. Số tiền này sẽ được BIDV giải ngân, thông qua các ngân hàng được lựa chọn, để cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cấp công nghệ và thiết bị chế biến gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long và nông dân tái canh cây càphê ở Tây Nguyên.

Lãnh đạo BIDV cho biết, sau lễ ký hợp đồng vay phụ, các ngân hàng đã thể có tiếp cận nguồn vốn dự án để thực hiện cho vay đến các doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình ở các khu vực thực hiện dự án.

Dự án VnSAT do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan chủ quản. Dự án có mục tiêu góp phần triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế của ngành, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành hàng lúa gạo và càphê ở hai vùng sản xuất hàng hóa chủ lực của Việt Nam là vùng Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

Ở cấp độ ngành, dự án sẽ hỗ trợ tăng cường năng lực cho các cơ quan nhà nước trong việc nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ cho nông dân, triển khai và giám sát quá trình tái cơ cấu và đổi mới ngành nông nghiệp.

Đối với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, dự án sẽ hỗ trợ trực tiếp khoảng 140.000 hộ nông dân trồng lúa ở 8 tỉnh (Kiên Giang, An Giang, Hậu Giang, Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ, Sóc Trăng), giúp người dân tiếp cận, áp dụng công nghệ tiên tiến và liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, lợi nhuận của nông dân trên mỗi hécta dự kiến sẽ tăng thêm 30%.

Tại Tây Nguyên, khoảng 63.000 hộ nông dân tại 5 tỉnh (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Kon Tum) sẽ được tiếp cận, áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác bền vững, tái canh cà phê và tăng thu nhập khoảng 20%.

Theo kế hoạch, BIDV sẽ lựa chọn khoảng 10 ngân hàng tham gia dự án VnSAT. BIDV cũng phấn đấu đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn dự án, góp phần triển khai hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục