Biến đổi khí hậu đe dọa các loài động vật Bắc Cực

Theo một báo cáo khoa học, hiện tượng Trái Đất ấm lên những năm gần đây đã đe dọa nghiêm trọng đến các loài động vật ở Bắc Cực.
Ngày 25/9, các chuyên gia của Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Quốc tế (WWF) công bố một báo cáo khoa học, trong đó cảnh báo hiện tượng Trái Đất ấm lên những năm gần đây đã đe dọa nghiêm trọng đến các loài động vật ở Bắc Cực, đồng thời, kêu gọi thay thế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng các loại năng lượng có khả năng tái tạo.

Theo kết quả nghiên cứu của các chuyên gia WWF, nhiệt độ tại Bắc Cực đã tăng nhanh gấp đôi so với các khu vực khác trên Trái Đất, khiến lượng băng ở Bắc Băc Dương suy giảm nhanh chóng.

Ngoài ra, lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng làm cho cho nồng độ axít trong nước đại dương tăng lên khi hấp thụ lượng khí này, đe dọa gây ra những hậu quả khôn lường đối với toàn bộ hệ sinh thái.

Sự suy giảm lượng băng trên đại dương đã khiến các loài hải mã ở khu vực Alaska và vùng Viễn Đông của Nga buộc phải thích nghi với cuộc sống trên cạn, dẫn tới nguy cơ các con non bị đè chết. Điều này cũng đe dọa đến cuộc sống của các con hải cẩu non.

Các nhà khoa học cũng phát hiện loài cá voi sát thủ đã xâm nhập sâu hơn vào khu vực xung quanh Bắc Cực, thay thế vai trò của loài gấu Bắc Cực trở thành kẻ săn mồi hàng đầu.

Dữ liệu vệ tinh của Trung tâm dữ liệu quốc gia Mỹ về băng và tuyết cho thấy, từ năm 1979 đến nay, diện tích băng bao phủ Bắc Cực đã giảm đi một nửa.

Vào tháng 9/2013, diện tích băng bao phủ Bắc Cực ước tính vào khoảng 5,1 triệu km2, là một trong những mức thấp kể từ khi cơ quan trên tiến hành quan sát bằng vệ tinh lượng băng ở Bắc Cực.

Nhiều khu vực từng được bảo vệ ở Bắc Cực đang bị khai thác để phục vụ hoạt động thăm dò khoáng sản, dầu và khí đốt cũng như đánh bắt cá và vận tải.

Đặc biệt, sự gia tăng các hoạt động vận tải qua khu vực đã khiến cho mối đe dọa ngày càng lớn hơn với nguy cơ xảy ra các vụ tràn dầu, do phần lớn hàng hóa vận chuyển là các sản phẩm dầu mỏ.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, các chuyên gia của WWF khẳng định thế giới cần phải chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn nhiên liệu có khả năng tái tạo vào năm 2050.

Sự phát triển của khoa học công nghệ ngày nay cho phép thực hiện được điều này, song đòi hỏi cần phải có nguồn lực tài chính dồi dào.

Bà Samantha Smith, người đứng đầu Chương trình nghiên cứu về năng lượng và biến đổi khí hậu toàn cầu của WWF, đã kêu gọi các nhà lãnh đạo chính trị và tài chính thế giới sử dụng thẩm quyền của mình để tạo nên sự chuyển biến sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, bền vững có khả năng tái tạo, chấm dứt phụ thuộc vào than đá, dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.

Báo cáo khoa học trên là một phần trong nội dung thảo luận của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), gồm đại diện của các chính phủ và các nhà khoa học trên thế giới, hiện đang nhóm họp ở Stockholm, Thụy Điển nhằm hoàn thiện bản báo cáo lần thứ năm của tổ chức này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục