Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực là tâm điểm của PAP

Từ 2-11/3 vừa qua, Hội nghị Liên Nghị viện châu Phi tập trung thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, hòa bình, di cư, khủng bố, tình trạng đói nghèo.
Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực là tâm điểm của PAP ảnh 1Cha mẹ và các bệnh nhi xếp hàng nhận thức ăn tại bệnh viện Berberati, Cộng hòa Trung Phi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hội nghị Liên Nghị viên châu Phi (PAP) đã bế mạc tại thành phố Johannesburg của Nam Phi ngày 11/3, với việc thông qua nhiều nghị quyết về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực lập pháp khu vực và giải quyết các vấn đề tồn tại nội khối.

Phát biểu tại cuộc họp báo kết thúc hội nghị, bà Bernadette Lahai, Phó Chủ tịch PAP, cho biết từ ngày 2 đến 11/3 vừa qua, Hội nghị Liên Nghị viện châu Phi lần này đã tập trung thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu, vấn đề an ninh lương thực, hòa bình, di cư, khủng bố, tình trạng đói nghèo…

Đặc biệt, Hội nghị PAP ở Johannesburg đã nhất trí phối hợp triển khai Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu được thông qua vào năm 2015 và hợp tác trong việc giải quyết vấn đề đói nghèo, đặc biệt nguy cơ nạn đói đang đe doa tại khu vực Đông Phi, nhất là Somalia, Nam Sundan và Nigeria.

Tại hội nghị PAP lần này, Chủ tịch PAP Roger Nkodo Dang đã kêu gọi Nghị viện châu Phi cần thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực và nội khối bằng cách đẩy mạnh thực hiện miễn thị thực làm việc, du lịch đối với tất cả quốc gia thành viên PAP, cũng như giải quyết các dòng chảy tài chính bất hợp pháp tại khu vực này.

Theo ông Dang, hiện PAP chưa thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hội nhập của các nước thành viên và phát triển chính trị, xã hội và kinh tế ở châu lục này, do các nước thành viên vẫn chậm trễ trong việc phê chuẩn Nghị định thư chung về cải cách lập pháp.

Tại hội nghị, các nghị sỹ châu Phi cũng đã thảo luận về thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư nội khối.

PAP cũng bày tỏ quan ngại về khả năng Mỹ và các nhà tài trợ quốc tế dự kiến cắt giảm viện trợ phát triển, nhất là viện trợ nhân đạo cho châu Phi. Điều đó có thể dẫn đến thảm họa về nhân đạo tại khu vực này trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục