Biến quần áo cũ thành trang phục mới bắt mắt

Xian Jia Hui có thể biến bất cứ bộ đồ cũ hoặc miếng vải nhàu nát thành 1 bộ trang phục khá bắt mắt qua bàn tay khéo léo của mình.
Bạn sẽ làm gì với đống quần áo cũ? Nhiều người trong chúng ta chọn giải pháp ném chúng đi để khỏi chật nhà.

Nhưng với Xian Jia Hui ở thành phố Seremban, bang Negeri Sembilan, Malaysia thì quần áo cũ sẽ là vật liệu của những trang phục mới.

Là một người có ý thức mạnh mẽ về việc bảo vệ môi trường, Xian Jia Hui luôn tìm cách để kéo dài thêm “cuộc sống” của những chiếc quần áo cũ. Cô có thể biến bất cứ một bộ đồ cũ hoặc miếng vải nhàu nát thành một bộ trang phục khá bắt mắt qua bàn tay khéo léo của mình.

Với cương vị là hiệu trưởng trường mẫu giáo, từ năm 2005, Xian cùng giáo viên trong trường đã khởi động chương trình sửa chữa quần áo cũ. Chương trình này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các học sinh và phụ huynh.

Trường mẫu giáo của cô đã được “Sách kỷ lục Malaysia” ghi nhận là trường tổ chức “cuộc triển lãm lớn nhất về quần áo tái chế ở Malaysia”.

Tờ Sin Chew Daily dẫn lời Xian cho biết, một bộ quần áo có thể được sửa lại nhiều lần cho đến khi không còn dùng may quần áo được thì vẫn có thể dùng may khăn trải bàn hoặc thảm.

Một vài quần áo dùng cho biểu diễn đã được sửa vài lần thành những bộ trang phục khác nhau và dùng từ 6 đến 7 năm. Bên cạnh quần áo biểu diễn, một số quần áo tái chế còn được dùng đi chơi hoặc dự tiệc.

Gần đây, trường đã bán được khá nhiều quần áo tái chế và một số bộ đã được người tiêu dùng mua ngay khi vừa may xong.

Theo Xian, việc sửa chữa lại quần áo cũ sẽ giúp bảo vệ môi trường do giảm được lượng rác thải và tất nhiên cũng tiết kiệm được tiền. Cô và các cô giáo ở trường sẽ liên tục tìm kiếm các loại quần áo hoặc vải vóc phù hợp từ các điểm thải đồ cũ và sửa chúng thành đồ mặc hằng ngày, trang phục biểu diễn hoặc các mục đích khác. Đây chính là việc thực hiện ý tưởng bảo vệ môi trường trong cuộc sống thàng ngày.

Trường của Xian được đánh giá là “trường mẫu giáo thân thiện với môi trường nhất” ở Seremban. Tuy nhiên danh hiệu này lại không phải từ quần áo tái chế mà do rất nhiều đồ chơi ở nhà trường được tái chế từ các vật dụng bỏ đi.

Xian cho biết các học sinh của cô rất thích mặc áo tái chế và học cách làm đồ chơi từ vật dụng cũ. Điều đó đã gióp phần thúc đẩy ý thức bảo vệ môi trường và tính sáng tạo của các em từ độ tuổi mẫu giáo./.

Xuân Triển/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục