Biên tập viên web Thái Lan bị cáo buộc tội khi quân

1 biên tập viên web sẽ đối mặt với án tù vào ngày hôm nay 30/5, vì cho đăng những bình luận bôi nhọ hoàng gia trên trang Prachatai.
Một biên tập viên trang web Thái Lan sẽ đối mặt với án tù vào ngày hôm nay 30/5, vì đã cho đăng những bình luận bôi nhọ hoàng gia trên trang mạng tin tức phổ biến Prachatai. Vụ việc diễn ra trong thời điểm Thái Lan đang dấy lên những đòi hỏi phải thay đổi luật về tội khi quân ở nước này.

Chiranuch Premchaiporn, biên tập viên 44 tuổi của Prachatai, có thể chịu mức án tối đa 20 năm tù giam nếu bị kết luận có tội theo luật về thông tin trên mạng của Thái Lan.

Ngoài ra, bà có thể phải đối mặt với các cáo buộc khác, bao gồm hành vi vi phạm điều 112 luật hình sự Thái Lan, quy định cấm xúc phạm gia đình hoàng gia, với mức án tối đa 15 năm tù giam.

Chiranuch phủ nhận các cáo buộc rằng bà đã không dỡ bỏ kịp thời khoảng 10 bình luận trên mạng. Sự việc xảy ra vào năm 2008.

Phán quyết dự kiến đưa ra ngày 30/4 nhưng sau đó phải hoãn lại trong bối cảnh những cuộc tranh luận gay gắt đang diễn ra về tội khi quân ở Thái Lan. Từ 29/5, một đơn thỉnh nguyện có chữ ký của 27.000 người hối thúc các cải cách đã được trình cho quốc hội trong hành động đông người công khai đầu tiên chống lại luật khi quân.

Phiên tòa xử Chiranuch cũng thu hút sự chú ý lớn từ quốc tế, vì mức án có thể rất nặng và những cáo buộc liên quan tới các bình luận của những người khác mà sau đó bà đã dỡ bỏ. Bị cáo phủ nhận mọi lời buộc tội, một điều cũng hiếm thấy trước nay bởi những người bị buộc tội khi quân thường nhận tội với hy vọng nhận được sự ân xá từ hoàng gia.

“Tôi không nghĩ mình có tội. Tôi cho rằng mình đã làm đúng. Đấu tranh là cách để chứng minh rằng tôi đúng,” bà Chiranuch nói với AFP trước phiên xét xử bị hoãn lại ngày 30/4.

Tranh luận về luật luận tội khi quân bùng phát sau cái chết của một người đàn ông 62 tuổi vào tháng này khi đang thụ án 20 năm tù giam vì tội trên.

Ủy hội nhân quyền châu Á ngày 29/5 nói những cáo buộc với Chiranuch “là sự phỉ báng của hệ thống tư pháp và công lý ở Thái Lan,” cũng như “cho thấy mối đe dọa rõ ràng và trực tiếp với các quyền cơ bản của công dân ở Thái Lan.”

Chiranuch, một nhân vật hàng đầu trong chiến dịch đấu tranh cho tự do ngôn luận ở Thái Lan, nói bà sẵn sàng đối mặt với phiên tòa. “Đôi khi tôi thấy sợ. Tôi không đủ can đảm. Điều quan trọng nhất là vượt qua nỗi sợ đó,” bà nói./. 

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục