Biến thể từ Nam Phi thách thức chiến dịch tiêm chủng của Philippines

Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 52 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 trong khi tại Singapore, đã có hơn 350.000 người dân được tiêm liều thứ nhất vắcxin ngừa COVID-19.
Biến thể từ Nam Phi thách thức chiến dịch tiêm chủng của Philippines ảnh 1Một nhân viên y tế được tiêm vắcxin ngừa COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 1/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bộ Y tế Philippines ngày 5/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 52 ca nhiễm biến thể của virus SARS-CoV-2 phát hiện đầu tiên ở Nam Phi, loại được cho là có khả năng lây lan rất nhanh.

Đây được xem là thách thức mới đối với đất nước đang phải chiến đấu với một trong những đợt bùng phát dịch tồi tệ nhất khu vực châu Á.

Trong số ca nhiễm biến thể phát hiện ở Nam Phi, bộ trên cho biết có 41 ca đã được ghi nhận ở thủ đô Manila và chưa rõ nguồn gốc lây lan. Những ca đầu tiên tại Philippines nhiễm biến thể này được ghi nhận hôm 2/3.

Cũng trong ngày 5/3, cơ quan y tế Philippines ghi nhận thêm 31 ca nhiễm biến thể được phát hiện tại Anh. Ngoài hai biến thể trên, Bộ Y tế Philippines cho biết đã phát hiện 42 ca có "các đột biến có ý nghĩa về mặt lâm sàng" trong các mẫu phẩm của người Philippines từ nước ngoài trở về và cả ở một số người sống tại Manila và miền Trung nước này.

Philippines đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng từ ngày 1/3, song các chuyên gia lo ngại việc phát hiện các biến thể mới có thể làm phức tạp thêm nỗ lực chống dịch hiện nay.

Ngày 4/3, Tổng thống Rodrigo Duterte kêu gọi toàn dân hãy nhanh chóng đi tiêm vắcxin để có thể sớm mở lại nền kinh tế sau khi chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng tồi tệ nhất trong năm 2020.

Tại Singapore, tính tới hết ngày 4/3, đã có hơn 350.000 người dân được tiêm liều thứ nhất vắcxin ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 80% là nhân viên y tế.

Phát biểu trong cuộc thảo luận của Ủy ban Ngân sách tại Quốc hội Singapore ngày 5/3, Bộ trưởng Y tế nước này Gan Kim Yong cho biết trong số 350.000 người được tiêm nói trên, đã có 215.000 người được tiêm mũi vắcxin thứ hai.

[Hàn Quốc cấp phép sử dụng vắcxin phòng COVID-19 của Pfizer]

Hiện Singapore đã bắt đầu triển khai tiêm vắcxin ngừa COVID-19 cho người cao tuổi và tới nay đã có hơn 40.000 người trên 70 tuổi được tiêm phòng.

Nếu nguồn cung ứng vắcxin diễn ra theo kế hoạch, Singapore sẽ hoàn thành tiêm chủng cho toàn bộ người dân vào cuối năm 2021.

Bộ trưởng Gan Kim Yong cũng nhấn mạnh Singapore đang đạt được tiến triển tích cực trong chiến dịch tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19. Chỉ các loại vắcxin đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn và mức độ hiệu quả mới được sử dụng cho người dân Singapore.

Tới nay, Singapore đã cấp phép sử dụng tạm thời cho 2 loại vắcxin ngừa COVID-19 là vắcxin của Pfizer (Mỹ)-BioNTech (Đức) và Moderna (Mỹ).

Singapore đã nhận lô vắcxin Sinovac đầu tiên từ Trung Quốc ngày 24/2 vừa qua, tuy nhiên vẫn đang chờ Sinovac Biotech gửi các thông tin cần thiết để đánh giá mức độ an toàn và tính hiểu quả trước khi cấp phép sử dụng.

Biến thể từ Nam Phi thách thức chiến dịch tiêm chủng của Philippines ảnh 2Nhân viên y tế tiêm vắcxin phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 24/2/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tại Indonesia, Bộ Nội vụ nước này ngày 4/3 công bố quyết định kéo dài lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ (PPKM) từ ngày 9-22/3, đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng thêm 3 tỉnh bên ngoài đảo Java và Bali.

Theo Chỉ thị số 05/2021 của Bộ Nội vụ, PPKM sẽ được áp dụng cho đến khi tình hình được cải thiện tại các địa phương liên quan trong 6 tuần liên tục.

Ngoài 7 tỉnh và thành phố trên đảo Java và Bali với khoảng 150 triệu dân, PPKM lần này bổ sung thêm 3 tỉnh gồm North Sumatra, East Kalimantan và South Sulawesi.

Một số hạn chế vẫn tiếp tục được áp dụng như 50% nhân viên văn phòng làm việc tại nhà, giới hạn công suất phục vụ của các nhà hàng và địa điểm thờ tự ở mức tối đa 50%, và trung tâm mua sắm phải đóng cửa vào lúc 21h.

PPKM được triển khai lần đầu tiên từ ngày 11/1/2021 và đến nay đã được gia hạn 3 lần. Theo Chính phủ Indonesia, việc áp dụng PPKM đã giúp giảm số ca nhiễm, tử vong và tỷ lệ sử dụng giường điều trị bệnh nhân COVID-19, đồng thời tỷ lệ tuân thủ các quy trình y tế cũng như tỷ lệ bệnh nhân phục hồi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục