Biệt thự lưu giữ kỷ niệm về đàm phán hòa bình VN

Di tích lịch sử, biệt thự Verrières-le-Buisson, Pháp gắn liền thời gian 5 năm diễn ra đàm phán Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam.
Chúng tôi tới thăm ngôi nhà số 49, nay là số nhà 17 phố Cambacérès, Verrières-le-Buisson, ngoại ô thủ đô Paris, Pháp.

Nay đã trở thành một di tích lịch sử gắn liền với thời gian gần 5 năm diễn ra các cuộc đàm phán 4 bên (Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Việt Nam Cộng hòa) tiến tới việc ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam, tại Paris ngày 27/1/1973.

Vì giá trị lịch sử của nó, ngày 13 tháng 10 năm 2012, Tòa thị chính thành phố Verrières-le-Buisson phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và các bạn bè Pháp đã gắn biển di tích lịch sử cho ngôi nhà.

Tấm biển mang tên: "Nơi đây, từ năm 1968 đến 1973, Đoàn đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời Miền nam Việt Nam đã lưu trú để tham gia các cuộc đàm phán và ký Hiệp định Paris về Hòa bình, ngày 27/1/1973". Ngôi nhà này do các bạn Pháp là thành viên Đảng cộng sản Pháp khi đó giới thiệu cho phía Việt Nam thuê.

Nơi đó, cách đây 40 năm, bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao lúc đó (sau này là Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, cùng một số thành viên trong đoàn tùy tùng, từng lưu trú từ năm 1968 đến năm 1973, để tham gia các cuộc đàm phán bên lịch sử tiến tới ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Với sự giúp đỡ của ông bà Pierre Gueguen, khi đó còn là thành viên lực lựơng an ninh, kể cho chúng tôi nghe lịch sử của ngôi nhà và giúp chúng tôi có được một cuộc du ngoạn xung quanh ngôi nhà.

Dù dưới cái lạnh giá của mùa đông, cây cối và hoa xung quanh nhà đã rụng hết lá và trơ lại những cành khẳng khiu, nhưng cảnh quan nơi đây vẫn tạo cho ngôi nhà vẻ đẹp nên thơ vốn có của nó.

Kiến trúc của ngôi nhà dường như không hề thay đổi, chỉ có phía trước của ngôi nhà được sửa lại một chút cho phù hợp với nhu cầu người chủ mới (ông bà Pierre Bertaud) và một lớp sơn mới được quét lên bên ngoài cũng không làm nó mất đi vẻ cổ kính của nó với sự đổi thay của thời gian.

Ngôi nhà nằm trên một khu đất cao, với một khu vườn rộng bao quanh được trồng rất hoa, cây cảnh, cây ăn quả, cây cổ thụ và được điểm thêm vài bức tượng của các nhà điêu khác nổi tiếng của Pháp.

Sau nhiều cuộc hẹn gặp và được sự đồng ý của chủ nhà, ông bà Pierre Bertaud, (đang làm việc tại Paris), chúng tôi mới vào thăm được bên trong ngôi nhà đó, cùng với sự hướng dẫn ông Trịnh Ngọc Thái, Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam, Chủ tịch câu lạc bộ giao lưu văn hóa, kinh tế quốc tế và Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt-Pháp, khi đó là trợ lý của ông Xuân Thủy, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Miền Bắc Việt Nam) và ông Lê Đức Thọ là cố vấn đặc biệt.

Ông nói trở lại đây bốn mươi năm sau xa cách, ngôi biệt thự này đã gợi nhớ lại trong ông lại những kỷ niệm không thể nào quên trong suốt gần 5 năm diễn ra các cuộc đàm phán, mà theo ông là cuộc đàm phán kéo dài nhất trong lịch sử Việt Nam cũng như trên thế giới.

Ông cho biết, khi đó ông là thành viên của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tham dự hội nghị 2 bên với đoàn đại biểu Mỹ do ông W. Averell Harriman, nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ dẫn đầu. Hội nghị diễn ra ngày 13/5 đến ngày 1/11/1968 tại phố Kléber tại Paris, bàn việc chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam nói chung, trước hết đòi phía Mỹ phải chấm dứt hoàn toàn và vô điều kiện chiến tranh ở phía Bắc Việt Nam.

Sau đó đến ngày 25/1/1969, mới diễn ra cuộc đàm phán 4 bên với sự tham gia (thêm) của đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam do ông Trần Bửu Kiếm dẫn đầu.

Đến tháng 6/1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam mới thành lập. Bà Nguyễn Thị Bình được cử làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và là Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền nam Việt nam tham dự hội nghị 4 bên này tại Paris. Ngôi biệt thự trở thành ngôi nhà mang dấu ấn lịch sử của cách mạng Việt Nam - nơi bà Bình đã lưu trú và làm việc.

Ông Phạm Ngọc Thái không khỏi xúc động trước cảnh quan hầu như không đổi thay của nơi đây và cho biết cổng ô tô vào tòa nhà vẫn ở bên tay phải, hai khu nhà chính và phụ cách nhau bằng một cái sân không lớn lắm với bãi cỏ xanh mướt bao quanh…

Đi qua cửa chính vào nhà là một hành lang ngắn dẫn đến phòng khách - chính nơi bà Nguyễn Thị Bình thường tiếp ông Nguyễn Đức Thọ, ông Xuân Thủy hay các đoàn khách quốc tế, bạn bè Pháp.

Trên gác là buồng ngủ của bà Nguyễn Thị Bình và phòng làm việc vẫn được bài trí như khi xưa, chỉ có bộ bàn ghế (salon) là mới và hiện đại một chút nhưng vẫn làm cho không gian của phòng khách giữ được sự sang trọng, lịch sự và ấm áp.

Tần ngần đứng trước dãy nhà cấp bốn phía sau khi đi qua cái sân nhỏ cách với với ngôi nhà chính, ông Thái cho biết thêm đây chính là nơi làm việc và chỗ nghỉ của anh em bảo vệ, lái xe.

Phòng điện đài nằm ngay bên tay trái vẫn còn như nguyên vẹn không gian và dáng vẻ của nó (nay đã trở thành nhà kho). Nơi trước đây đã từng phát đi những tin tức quan trọng góp phần không nhỏ tạo nên chiến thắng hôm nay.

Ông Trịnh Ngọc Thái nhấn mạnh đến vị trí của ngôi nhà nằm cạnh một hồ nước không lớn lắm, được thả cá, có thiên nga bơi lội và một hàng liễu trồng xung quanh thướt tha rủ xuống soi bóng trên mặt nước - mang tên Hồ Cambacérès.

Theo ông, chính những cảnh quan này đã mang đến cho ngôi nhà vẻ đẹp và sự hài hòa khó quên. Nhất là, nơi đây mãi mãi là nơi lưu giữ những kỷ niệm không thể nào quên đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc nói chung và trong cuộc đàm phán để tiến tới ký kết Hiệp định Paris nói riêng.

Ông nhấn mạnh "không gian và khung cảnh nên thơ này đã giúp cho bà Nguyễn Thị Bình, có được giờ phút thư giãn và đưa ra được nhiều ý tưởng, sáng kiến mới và những suy nghĩ mang tính thuyết phục hơn".

Cũng tại ngôi biệt thự này, nhiều phương án đã được đưa ra được nhằm cụ thể hóa đường lối chính trị của Bộ chính trị đã đề ra.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Pháp, ông không quên nhắc đến những thuận lợi và khó khăn trong suốt qua trình diễn ra các cuộc đàm phán công khai cũng như bí mật, nhiều khi gần như dẫn đến bế tắc, nhất là khi cuộc đàm phán diễn ra vào đầu tháng 12/1972, là lúc đế quốc Mỹ leo thang ném bom B52 xuống Miền Bắc. Nhưng với chiến thắng vang dội của quân và dân Việt Nam trước những "pháo đài bay trên không" của Mỹ đã kéo Mỹ trở lại cuộc đàm phán với Việt Nam.

Lý giải về thắng lợi tiến đến ký kết Hiệp định Paris về hòa bình ở Việt Nam, ông Trịnh Ngọc Thái trở nên sôi nổi hắn lên cho biết Việt Nam đã thành công là vì biết kết hợp đấu tranh trên nhiều mặt trận vừa đánh vừa "đàm", có nghĩa phải kết hợp nhiều mặt trận như trên bàn hội nghị, trên chiến trường, mặt trận ngoại giao, kết hợp với phong trào chính trị ở miền Nam và vận động, tranh thủ sự ủng hộ các bạn bè quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Không chỉ nhớ lại những công việc, cùng những kỷ niệm đã gắn bó ông với nơi này, khi cùng làm việc với bà Nguyễn Thị Bình - "nhà thương lượng tài ba" của Việt Nam, ông luôn nhắc đến những tình cảm và sự ủng hộ cao đẹp của các bạn bè Pháp đã dành cho đoàn Việt Nam khi đó. Thường các bạn Pháp giữ vai trò bảo vệ an ninh vòng ngoài tại các nơi ở và làm việc của đoàn Việt nam.

Nói đến chiến thắng này, ông ngậm ngùi nhớ đến những anh em, đồng chí, bạn bè ở Miền Nam, Miền Bắc không còn nữa, họ ra đi để lại trong lòng ông những ấn tượng và tình cảm sâu nặng, như ông Đinh Bá Thi, bà Nguyễn Thị Trơn, cô Bình Thanh - thư ký riêng của bà Bình, anh Lê Văn Tư, anh lý Văn Sáu,… những người cốt cán trong đoàn đại biểu chính phủ của cách mạng lâm thời Miền nam Việt nam, và trong đoàn miền Bắc như Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Nguyễn Minh Vỹ, Phan Hiền, Nguyên Cơ Thạch, Trần Công Tường,…

Tất cả họ là những người đã có nhiều đóng góp và hy sinh cho thành công của Hội nghị Paris về lập lại hòa bình ở Việt Nam. Họ là những người có nhiều gắn bó với bà Bình trong suốt thời gian tham gia phục vụ Hội nghị.

Về nhần mình, ông Pierre Bertaud, chủ nhà cho biết ông rất vinh dự được sống tại ngôi nhà có giá trị lịch sử như vậy. Trước khi mua nó, ông đã biết nơi đây bà Nguyễn Thị Bình đã ở. Bà là nhà "thương lượng tuyệt vời của Việt Nam về hòa bình".

Ông cho biết ông cũng là con người của hòa bình và ông luôn ủng hộ điều đó. Theo ông, sự "kiên trì " của Việt Nam đã trở thành một bài học đối với ông trong quá trình "thương thuyết"./.

Lê Hà-Nguyễn Tuyên/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục