Biểu tình phản đối cảnh sát bắn người da màu tại Mỹ tạm hạ nhiệt

Bước sang ngày thứ 4, các cuộc biểu tình đối việc cựu cảnh sát người da trắng Jason Stockley được tòa tuyên trắng án trong vụ bắn chết một người da màu hồi năm 2011 đã có dấu hiệu hòa hoãn.
Biểu tình phản đối cảnh sát bắn người da màu tại Mỹ tạm hạ nhiệt ảnh 1Cảnh sát siết chặt an ninh khi người dân tham gia biểu tình tại St Louis ngày 16/8. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 18/9, người dân thành phố St Louis, bang Missouri, Mỹ, tiếp tục đổ xuống đường để phản đối việc cựu cảnh sát người da trắng Jason Stockley được tòa tuyên trắng án trong vụ bắn chết một người da màu hồi năm 2011.

Tuy nhiên, bước sang ngày thứ 4, các cuộc biểu tình đã có dấu hiệu hòa hoãn.

Hàng chục người biểu tình, mang theo biểu ngữ kêu gọi tôn trọng sinh mạng người da màu, đã diễu hành qua các con phố trung tâm của thành phố và tụ tập bên ngoài tòa thị chính.

Ngoài ra, khoảng 250 học sinh trung học cũng tham gia vào một cuộc biểu tình nhỏ. Tuy nhiên, cảnh sát cho biết các cuộc biểu tình trong ngày 18/9 đều diễn ra trong hòa bình, không có xô xát hay vụ bắt giữ nào, khác với tình hình căng thẳng trong 2 ngày cuối tuần qua khi cảnh sát Mỹ bắt giữ hơn 80 người trong làn sóng biểu tình biến thành bạo lực đường phố.

[Cảnh sát Mỹ bắt giữ hàng chục người biểu tình quá khích ở St Louis]

Các cuộc biểu tình bùng phát từ ngày 15/9 ngay sau khi tòa ra phán quyết cựu cảnh sát Stockley, 36 tuổi, không phạm tội giết người cấp độ 1 đối với vụ Anthony Lamar Smith, một người da màu 24 tuổi nghi là tội phạm ma túy bị bắn chết trong xe ôtô vào ngày 20/12/2011 khi đang chạy trốn sự truy đuổi của viên cảnh sát này.

Bạo lực nổ ra tối 16/9 khi khoảng 100 người biểu tình, trong đó có một số người cầm gậy hoặc búa, đập vỡ cửa sổ và đụng độ với cảnh sát.

Thành phố St Louis vốn có nhiều vụ căng thẳng giữa cảnh sát và cộng đồng người da màu. Thành phố này và thị trấn ngoại ô Ferguson trở thành tâm điểm quốc gia hồi năm 2014 sau vụ một cảnh sát da trắng bắn chết nam thanh niên da màu không có vũ khí Michael Brown.

Vụ việc đã làm bùng phát làn sóng biểu tình ở thị trấn này cũng như ở nhiều địa phương khác trên toàn nước Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục