Biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động tiếp diễn tại Pháp

Ít nhất 62 người bị bắt giam trong khi 15 nhân viên cảnh sát Pháp đã bị thương trong các vụ động độ xảy ra trong cuộc biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động.
Biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động tiếp diễn tại Pháp ảnh 1Cảnh sát chống bạo động dùng hơi cay để giải tán cuộc biểu tình tại Paris (Pháp) ngày 28/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ít nhất 62 người bị bắt giam trong khi 15 nhân viên cảnh sát Pháp đã bị thương trong các vụ động độ giữa hai bên xảy ra trong hoạt động biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động trên toàn quốc ngày 26/5.

Giới chức Pháp cho biết khoảng 153.000 người đã đổ ra các tuyến đường trên toàn nước Pháp để biểu tình phản đối dự luật cải cách lao động mà chính phủ mới đề ra.

Tuy nhiên, phía các nghiệp đoàn tổ chức biểu tình cho biết con số thực tế thậm chí cao gấp đôi.

Tại Paris, một nhóm biểu tình quá khích gồm khoảng 100 thanh niên trẻ tuổi đeo mặt nạ đã tách ra khỏi đám đông biểu tình, đập phá các cửa hàng và nhiều ôtô đỗ trên đường khiến cảnh sát buộc phải dùng tới hơi cay để giải tán.

Các cuộc biểu tình vẫn không ngừng gia tăng tại Pháp khi mà chỉ còn 2 tuần nữa Vòng chung kết Giải vô địch Bóng đá châu Âu (Euro 2016) sẽ diễn ra.

Nhiều nhóm biểu tình thậm chí còn phong tỏa các tuyến đường, các cây cầu trong khi các lái tàu và nhiều nhân viên hàng không cũng bắt đầu đình công, còn các nghiệp đoàn phản đối dự luật vẫn kêu gọi nhân viên hệ thống tàu điện ngầm Paris luân phiên đình công trong ngày khai mạc Euro 2016 diễn ra vào 10/6 tới.

Dù tình trạng phong tỏa các kho nhiên liệu và các cơ sở lọc dầu tại miền Bắc quốc gia này đã chấm dứt, nhưng người dân vẫn phải xếp hàng dài chờ đợi tại các trạm xăng do nhiên liệu gần như cạn kiệt vì hoạt động đình công.

Pháp thậm chí đã phải viện tới nguồn dự trữ dầu chiến lược để cung cấp cho các hoạt động hàng ngày.

Làn sóng đình công, biểu tình tại Pháp bắt đầu từ tháng 3 nhằm phản đối dự luật cải cách lao động mà chính phủ đưa ra với nội dung tạo điều kiện cho các chủ sử dụng lao động trong tuyển dụng và sa thải nhân viên, để giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp cao tại nước này.

Tuy nhiên, phe phản đối chỉ trích dự luật này làm tổn hại tới các quyền cơ bản của người lao động.

Các nghiệp đoàn tuyên bố sẽ tiếp tục đình công cho tới khi chính phủ nhượng bộ.

Các cuộc biểu tình khiến giao thông hàng không, giao thông đường sắt đình trệ, gây bất ổn trong xã hội và kéo theo nhiều thiệt hại về kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục