Biểu tình rầm rộ ở châu Âu ngày Quốc tế Lao động

Các cuộc biểu tình rầm rộ diễn ra ở châu Âu nhân ngày Quốc tế Lao động, phản đối việc cắt giảm phúc lợi xã hội, chính sách tiết kiệm.
Ngày 1/5, tại nhiều nước ở châu Âu đã diễn ra các cuộc biểu tình rầm rộ để kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, phản đối việc cắt giảm phúc lợi xã hội và chính sách tiết kiệm ở khu vực này..

Theo Liên hiệp Công đoàn Đức (DGB), khoảng 425.000 người đã tham gia 439 cuộc míttinh, biểu tình trên khắp nước Đức với khẩu hiệu "Công việc tốt. Lương hưu bảo đảm. Châu Âu xã hội".

Phát biểu tại cuộc mít tinh chính ở Munich, Chủ tịch DGB Michael Sommer nhấn mạnh, trong những năm từ 2008 tới 2010, thông qua các chương trình kích thích kinh tế, cứu các xí nghiệp và bảo vệ chống nạn thất nghiệp, nước Đức đã thành công trong việc vượt qua khủng hoảng.

Giờ đây Thủ tướng Merkel lại tìm cách áp đặt một điều ngược lại đối với châu Âu bằng chính sách tiết kiệm. Việc nhà nước rút khỏi nhiều lĩnh vực không chỉ phá hủy công ăn việc làm tốt, mà còn phá hủy nền tảng của một nền kinh tế có trách nhiệm về mặt xã hội.

Chủ tịch Nghiệp đoàn Kim khí Berthold Huber phát biểu tại cuộc biểu tình ở Stuttgart, kêu gọi phải có một chương trình đầu tư ở châu Âu để duy trì, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng công cộng và tạo điều kiện cho việc đầu tư vào công ăn việc làm, môi trường,y tế và giáo dục.

Tại Berlin, khoảng 2.000 người cánh tả đã tham gia một cuộc biểu tình phản đối một cuộc tuần hành của khoảng 500 người ủng hộ Đảng Dân tộc Đức (NPD) cực hữu.

Cảnh sát đã dùng voi rồng và hơi cay để đẩy lùi những người biểu tình tìm cách xông vào ngăn chặn cuộc biểu tình của những tên Quốc xã mới.

Tại Pháp đã diễn ra hàng trăm cuộc tuần hành, mít tinh của người lao động nhân kỷ niệm Ngày quốc tế lao động 1/5.

Theo số liệu của Bộ Nội vụ Pháp, trong ngày lễ này đã có khoảng gần 100.000 người diễu hành, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) cho rằng đã có khoảng 160.000 người tham gia 286 cuộc biểu tình trong cả nước.

Các cuộc mít tinh và tuần hành đều cho thấy một tinh thần chung của người lao động Pháp là phản đối chính sách khắc khổ và đòi một sự thay đổi về chính sách kinh tế-xã hội tại Pháp và châu Âu.

Tại thủ đô Paris, theo truyền thống, hơn 16.000 người lao động đã tập trung tại quảng trường Bastille với nhiều băng rôn, khẩu hiệu màu đỏ kêu gọi đoàn kết quốc tế vì các tầng lớp lao động, vì hòa bình cho thế giới, bác bỏ chính sách “thắt lưng buộc bụng”, đòi bảo đảm an ninh việc làm…<

Tại thành phố cảng Marseille, khoảng 10.000 người lấy bến cảng Vieux-Port làm nơi xuất phát cho cuộc tuần hành với sự tham gia của rất nhiều tổ chức công đoàn. Đại diện của CGT cho biết sự thất vọng của người lao động thành phố đang dần nhường chỗ cho sự tức giận, “chính sách khắc khổ không phải là giải pháp tốt cho Pháp và châu Âu, cần có sự thay đổi hướng tới tiến bộ xã hội”.

Tại các thành phố khác như Toulouse, Lyon, Bordeaux, Lille, Nantes… cũng có hàng nghìn người xuống đường tuần hành và mít tinh. Tuy không đông đảo như ở Paris và Marseille, nhưng những người biểu tình cũng giương cao các khẩu hiệu đòi giới chủ quan tâm đến quyền lợi của người lao động, tạo công ăn việc làm, an sinh xã hội và kêu gọi các chính phủ châu Âu chấm dứt chính sách “thắt lưng buộc bụng”.

Đây là lần kỷ niệm Ngày quốc tế lao động đầu tiên của cánh tả Pháp sau nhiều năm dưới quyền của các chính phủ cánh hữu.

Trong bối cảnh khủng hoảng chưa có lối thoát của khu vực đồng euro, Pháp đang chứng kiến một tình trạng thất nghiệp “kỷ lục trong lịch sử” với 3,2 triệu người không có việc làm và con số này tiếp tục thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, khi hàng ngày vẫn xuất hiện nhiều doanh nghiệp công bố đóng cửa hoặc sa thải nhân công.

Theo kết quả các thăm dò dư luận, đa số người Pháp cho rằng nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các tổ chức công đoàn là bảo vệ việc làm cho người lao động.

Trong khi đó, tại Hy Lạp và Tây Ban Nha, hàng ngàn người cũng tham gia các cuộc biểu tình để phản đối các biện pháp tiết kiệm của chính phủ và kêu gọi tạo ra công ăn việc làm./.

Văn Long- Nguyễn Tuyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục