Biểu tình tại Hong Kong khiến chỉ số Hang Seng giảm sâu

Biểu tình leo thang tại Hong Kong và lo ngại về kinh tế Trung Quốc đã ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư, khiến chỉ số Hang Seng có thời điểm giảm tới 2,31%.
Biểu tình tại Hong Kong khiến chỉ số Hang Seng giảm sâu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 29/9, khi biểu tình tại Hong Kong leo thang và lo ngại về kinh tế Trung Quốc đang khiến giới đầu tư thận trọng cho dù phố Wall đi lên vào cuối tuần trước nhờ số liệu mới về GDP của Mỹ được công bố.

Chốt phiên, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 1,9%, hay 449,2 điểm, xuống 23.229,21 điểm. Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia giảm 0,93%, hay 49,2 điểm, xuống 5.264,2 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,25%, hay 5,04 điểm, xuống 2.026,6 điểm. Tuy nhiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,5%, hay 80,78 điểm, lên 16.310,64 điểm và chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,43%, hay 9,99 điểm, lên 2.357,71 điểm.

Do ảnh hưởng của cuộc biểu tình tới tâm lý nhà đầu tư, chỉ số Hang Seng có thời điểm giảm tới 2,31%. Các ngân hàng Hong Kong đã bị tác động mạnh, với giá cổ phiếu của HSBC giảm 1,46%, Hang Seng Bank giảm 1,71% và Standard Chartered giảm 1,67%.

Chỉ số Hang Seng vốn đã chịu sức ép giảm điểm do những lo ngại về kinh tế Trung Quốc sau một loạt các số liệu gây thất vọng gần đây. Chỉ số này đã mất 6,5% kể từ sau khi chạm mức cao của năm nay vào đầu tháng này. Theo một báo cáo của hãng tư vấn JL Warren Capital có trụ sở tại New York, thị trường chứng khoán Hong Kong có thể sẽ chứng kiến làn sóng bán tháo lớn và sự biến động trong những ngày tới.

Các cuộc biểu tình tại Hong Kong leo thang trong ngày 29/9, gây lo ngại về hoạt động kinh doanh tại trung tâm tài chính châu Á này. Trong cuộc bạo động tồi tệ nhất kể từ khi Trung Quốc Đại lục nắm lại quyền kiểm soát Hong Kong - vùng lãnh thổ từng là thuộc địa của Anh này, vào năm 1997, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình vào cuối tuần nhằm phản đối quyết định của Chính phủ Trung Quốc về việc hạn chế những cải cách chính trị.

Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp Trung Quốc giảm 0,6% trong tháng Tám, một dấu hiệu cho thấy khả năng tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ giảm mạnh hơn. Mặc dù số liệu về chế tạo tháng Chín khá hơn, giới phân tích nhận định rằng sản lượng công nghiệp giảm, giá bất động sản thấp hơn, nhập khẩu yếu và sức ép lên giá xuất xưởng là những biểu hiện không mấy khả quan về tình hình nền kinh tế.

Bộ Thương mại Mỹ cuối tuần trước đã nâng mức tăng trưởng GDP hàng năm của nước này trong quý 2 lên 4,6%, mức tăng nhanh nhất trong hai năm rưỡi, từ con số trước đó là 4,2%.

Chốt phiên cuối tuần trước, chỉ số Dow Jones tăng 0,99%, chỉ số S&P 500 tăng 0,86% và chỉ số Nasdaq tăng 1,02%.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục