Biểu tình vì cắt giảm ngân sách giáo dục ở TBN

Ngày 22/5, hàng trăm nghìn người dân Tây Ban Nha đã xuống đường biểu tình để phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho giáo dục.
Ngày 22/5, hàng trăm nghìn người dân Tây Ban Nha, chủ yếu là giáo viên và sinh viên, đã đồng loạt xuống đường biểu tình để phản đối kế hoạch cắt giảm chi tiêu cho giáo dục mà chính phủ nước này công bố trong tháng trước.

Những người biểu tình đã tham gia tuần hành trên hầu hết các tuyến phố chính của cả nước, họ đánh trống, huýt sáo, reo hò trong trang phục áo sơ mi xanh, và dương cao biểu ngữ "Giáo dục không phải là phí tổn, giáo dục chính là đầu tư, không được cắt giảm."

Tại thủ đô Madrid, đoàn biểu tình đã diễu hành từ quảng trường gần tòa nhà quốc hội rồi tiến đến trụ sở của Bộ Giáo dục.

Trong khi đó, tại Barcelona, thành phố lớn thứ hai Tây Ban Nha, cảnh sát cho biết cũng có khoảng 25.000 người cũng đã tuần hành qua các con phố. Tuy nhiên, giới nghiệp đoàn lại đưa ra con số tới hơn 150.000 người. Ngoài ra, hoạt động biểu tình cũng nổ ra tại rất nhiều thành phố khác bao gồm Alicante, Pamplona, Seville, Valencia và Zaragoza.

Chính phủ trung ương Tây Ban Nha đã yêu cầu 17 khu vực tự trị của nước này phải cắt giảm 3 tỷ euro (tương đương 4 tỷ USD) ngân sách dành cho giáo dục trong năm 2012, như một phần trong nỗ lực nhằm đưa thâm hụt ngân sách xuống 5,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), so với mức 8,9% trong năm 2011, đồng thời làm dịu lại những lo lắng gia tăng trên thị trường.

Nghiệp đoàn giáo dục cho rằng việc cắt giảm mạnh ngân sách giáo dục sẽ đẩy khoảng 100.000 giáo viên dự bị rơi vào tình trạng thất nghiệp. Điều này cũng sẽ khiến mô hình lớp học lớn hơn và mức học phí trung bình tại các trường đại học tăng từ 1.000 euro lên 1.500 euro. Tuy nhiên, các quan chức chính phủ Tây Ban Nha khẳng định cắt giảm ngân sách giáo dục là việc làm cần thiết góp phần hạn chế tình trạng khủng hoảng nợ đang trầm trọng tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).

Ngày 30/4, các số liệu chính thức của Viện thống kê quốc gia Tây Ban Nha cho thấy nền kinh tế nước này đã thực sự rơi trở lại vào suy thoái. GDP đã giảm 0,3% trong quý 1/2012, quý thứ hai liên tiếp tăng trưởng âm. Tình trạng kinh tế đình trệ và suy thoái liên tiếp trong nhiều năm đã đẩy tỉ lệ thất nghiệp tại đây lên 24%, mức cao nhất trong các nước thuộc Liên minh châu Âu.

Những tháng đầu năm 2012, các cuộc bãi công và biểu tình liên tiếp diễn ra ở Tây Ban Nha xoay quanh việc phản đối các kế hoạch cắt giảm và cải cách thị trường lao động của chính phủ nước này. Đây cũng chính là một hệ lụy không tránh khỏi của Tây Ban Nha khi tình trạng khủng hoảng nợ công đang trầm trọng tại Eurozone./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục