Biểu tình vì... hành

20.000 người Ấn Độ biểu tình vì khủng hoảng hành

Thời tiết bất thường đang đẩy Ấn Độ lâm vào một cuộc khủng hoảng hành nghiêm trọng, khiến hơn 20.000 người biểu tình phản đối.
Thời tiết bất thường ở miền Nam đang đẩy Ấn Độ - nước sản xuất hành lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc - lâm vào một cuộc khủng hoảng hành nghiêm trọng.

Đối với người Ấn Độ ngoài Chapati (loại bánh nướng làm từ bột mì), Daal (món nấu lẫn khoai tây, đậu, cà chua cùng bột cari), ớt xanh, trong một bữa ăn không thể thiếu là đĩa hành sống cắt lát.

Bởi vậy, việc thiếu món thức ăn được y học cổ truyền cho là tăng cường sức đề kháng, lòng dũng cảm và năng lực của đàn ông này khiến dân chúng bức xúc. Tại Ấn Độ đã xảy ra những cuộc biểu tình phản đối tình trạng khan hiếm hành với hơn 20.000 người tham gia ở một số thành phố lớn.

Những ngày giữa tháng 12 năm ngoái, thị trường hành ở nhiều nơi, đặc biệt là thủ đô New Delhi thiếu nghiêm trọng món ăn cay cay, ngọt ngọt này do lượng cung sụt xuống mức thảm hại.

Lượng hành nhập về chợ bán buôn rau quả Azadpur giảm xuống 700-800 tấn/ngày từ mức trung bình 7.000-8.000 tấn trước đây. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho dân buôn hành phất lên nhanh chóng.

Có tin tại New Delhi có những tay bán buôn cỡ lớn thu lời tới 135%, lãi cả triệu rupi (gần 22.000 USD)/ngày. Giá hành trung bình tăng lên tới 65-70 rupi (45 rupi ăn 1 USD) từ mức 15-20 rupi năm 2009, đặc biệt có ngày tại thành phố Kolkata người mua phải bỏ ra tới 120-130 rupi (bằng giá mua một kg thịt gà làm sẵn) mới có thể sở hữu một kg hành củ.

Chính phủ Ấn Độ đã phải mua hành từ Pakistan xuất khẩu qua đường bộ trung bình mỗi ngày 60-70 ôtô tải mới kéo được giá hành xuống 45-50 rupi/kg ngoài thị trường.

Tuy nhiên, sau khi xuất khẩu được khoảng 3 tuần, ngày 6/1 vừa qua Pakistan lại ra lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này với lý do Ấn Độ cấm xuất khẩu bông cho họ khiến hành lại khan hiếm trở lại và giá lại bắt đầu tăng thêm.

Nhằm giải quyết tình trạng này, Chính phủ Ấn Độ đang xem xét việc nối lại xuất khẩu bông và ximăng để có thể tiếp tục nhập khẩu hành từ Pakistan.

Do Pakistan còn lưỡng lự trong việc bãi bỏ lệnh cấm, hiện 300 xe tải chở 1.000 tấn hành mua theo hợp đồng từ trước khi có lệnh cấm xuất khẩu vẫn còn tắc nghẽn tại cửa khẩu Wagah.

Trước khi hai bên đạt thỏa thuận giải quyết các bất đồng về xuất khẩu, Ấn Độ đang cố thuyết phục Pakistan cho phép giải tỏa nốt số hành này nhằm giảm bớt nạn khan hiếm hành trong nước./.

Phạm Thảo/New Delhi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục