Bi-hài chuyện sinh viên tìm người ở ghép

Tiền nhà, điện, nước liên tục tăng giá, nhiều sinh viên phải chọn cách ở ghép để giảm chi phí, nhưng cũng từ đó lắm chuyện bi hài...
Trong thời buổi đắt đỏ, khi tiền nhà, tiền điện, nước liên tục tăng giá, nhiều sinh viên không thể tìm được phòng trọ đành tìm cách sống nhờ, ở ghép để giảm bớt chi phí. Nhiều câu chuyện bi-hài đã xuất hiện sau dòng tin, kèm số điện thoại tìm người ở ghép mà các sinh viên này đã đăng trên mạng.

Tăng giá bất chợt

Gần đây các nhà trọ trên địa bàn Hà Nội đồng loạt tăng giá với mức tăng bình quân từ 20-30%. Không chỉ giá thuê phòng tăng, mà hầu hết các khu xóm trọ đều tăng cả giá điện, nước. Ví dụ, năm học 2008-2009, giá điện các khu xóm trọ thường dao động từ 1.500-2.000đồng/kWh (1 số), thì đến thời điểm này, giá đã tăng lên 2.500-3.000 đồng/số.

Cũng như vậy, tiền nước tăng từ 6.000 đồng/m3 lên 10.000 đồng/m3. Thậm chí, nhiều chủ nhà trọ tăng giá lên đến mức phi lý, gây khó khăn cho sinh viên và các bậc phụ huynh.

Bà Lan, phụ huynh của một sinh viên Trường Đại học Phương Đông nói: “Con tôi đang thuê một phòng trọ ở khu Mai Động-Hoàng Mai với giá 700.000 đồng, nhưng đến tháng 9 đã tăng lên 900.000 đồng/tháng. Tôi thấy mức tăng 200.000 đồng trong một tháng là quá cao”.

Nhật, một sinh viên Đại học Xây dựng cho biết: “Trước đây phòng trọ chỉ có 700.000 đồng/tháng, do quá chật nên em chỉ có thể ở một mình và bố mẹ cũng đồng ý. Nhưng từ tháng 9/2009 chủ nhà trọ đột nhiên tăng giá lên 900.000đồng/tháng thì em không thể nào ở một mình được. Cũng thương bố mẹ ở quê lam lũ, trong thời gian quá gấp gáp không tìm được người quen ở cùng, nên em đành đăng tin trên mạng và phó mặc cho may rủi”.

Choáng váng phản hồi


Trêu chọc, tán tỉnh, ve vãn, hẹn hò qua điện thoại là chuyện mà các bạn sinh viên đăng tin tìm người ở ghép thường gặp trong mùa tăng giá này.

Sau một ngày đăng tin trên trang web rongbay.com, Nhật mừng rỡ khi nhận được cuộc điện thoại đầu tiên. Đặc biệt người đó còn giới thiệu đồng hương Hải Phòng với Nhật.

Nhật nhớ lại, anh ta giới thiệu tên là Đông, đã 36 tuổi, chưa vợ con gì, đang làm quản lý xây dựng bên Gia Lâm. Rồi cái giọng của anh ta ngày càng ngọt ngào và "ái ái" dần. Cuộc điện thoại của anh ta kéo dài gần 15 phút chỉ với mục đích làm quen, ve vãn, tán tỉnh. Nhật đã phải tìm mọi cách từ chối.

Nhưng buổi tối, người đàn ông này tiếp tục gọi lại, thấy không ai nghe máy, anh ta bắt đầu nhắn tin với lời lẽ vẫn thuộc kiểu ve vãn, tán tỉnh, hẹn hò gặp mặt làm quen, chứ không hề có nhu cầu tìm nhà để cùng ở trọ.

Cực chẳng đã, Nhật đành quyết định thay một cái sim khác để thoát khỏi sự quấy rối của anh ta.

Thìn, nữ sinh Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, sau khi được bạn bè mách cho cách đăng tin tìm người ở ghép trên mạng rất có hiệu quả đã hứng khởi làm theo.

Kết quả thật đáng bất ngờ, chỉ vài tiếng sau đó có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến. Nhưng tất cả đều chỉ là những giọng nam gọi đến trêu ghẹo.

Thìn cho biết, thậm chí có kẻ trắng trợn đặt vấn đề: “Bạn có muốn sống thử không?”. Choáng váng với những cuộc điện thoại, nhắn tin kiểu đó, Thìn đành chọn giải pháp tắt điện thoại vài ngày.


Nhà ở ghép sinh ra trái đắng


Nhưng với một số sinh viên do quá nóng lòng tìm người ở ghép để chia sẻ tiền nhà và lại cả tin nên đã gặp trái đắng, mất tiền mất của.

Phạm Đức, một sinh viên Trường Đại học Bách khoa, quê Hải Dương, ở trọ khu Định Công-Hoàng Mai nhớ lại "kinh nghiệm xương máu".

Cậu cho biết phòng trọ đang ở 2 người với giá 900.000 đồng/tháng, nhưng do chủ nhà báo sang tháng 9 sẽ tăng lên 1.200.000 đồng/tháng, nên 2 đứa bàn nhau đăng tin tìm thêm 1 người ở ghép với điều kiện đồng hương, cũng đang là sinh viên, trung thực, vui tính...

Sau khi đăng vài ngày, Đức nhận được điện thoại của một người tự giới thiệu đáp ứng được các điều kiện và mong muốn đến ở thử vài ngày, nếu không hợp nhau thì sẽ chia tay.

Do quá cả tin với giọng điệu chân quê của Minh (Thanh Miện, Hải Dương-kẻ đó giới thiệu như vậy) và lại khai là sinh viên năm đầu đang còn bỡ ngỡ, chỉ có vẻn vẹn một chiếc balô đồ đạc, nên Đức cho cậu này ở ngay mà chả cần xem chứng minh thư hay giấy tờ gì khác.

Thế rồi, một hôm toàn bộ số tiền trong hòm của 2 người cùng chiếc điện thoại N70 đã bị cuỗm đi, cái sim thì vứt lại. Do xóm trọ thường xuyên đông đúc và bộ máy tính quá cồng kềnh nên kẻ tên Minh sợ lộ, không dám lấy đi.

Đức nói giọng chán chường: “Rất đau anh ạ, chắc em cạch đến già không bao giờ tìm người ở ghép kiểu qua mạng nữa"./.

(Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục