Bình đẳng giới: Hi vọng mới cho mỗi “Nora Việt Nam”

Cuộc hành trình của Nora tạm khép lại nhưng đã mở ra những hi vọng mới cho mỗi “Nora Việt Nam” trong quá trình tiến tới Bình đẳng giới.
Trong 2 ngày 6 và 7/10 vừa qua, Tọa đàm Các chị em của Nora tại Tiền Giang với chủ đề “Quyền bình đẳng của phụ nữ trong lao động-việc làm” đã diễn ra, khép lại cuộc “Hành trình xuyên Việt” của Nora qua 4 tỉnh thành Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Lào Cai, Tiền Giang. 

Đúc kết lại sau 4 cuộc hội thảo và tọa đàm về Bình đẳng giới là vấn đề tư tưởng vẫn đóng vai trò then chốt để giải phóng người phụ nữ thoát khỏi sự bất bình đẳng trong gia đình.

Lấy ý tưởng từ vở kịch “Ngôi nhà búp bê” của nhà viết kịch Ibsen, Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kết hợp với Đại sứ quán Na Uy đã đặt ra vấn đề “Làm thế nào để giải phóng người phụ nữ thoát ra khỏi sự phụ thuộc của mình vào người chồng, cùng chia sẻ việc làm chủ gia đình”.

Nếu như tại Huế, các cơ quan chức năng đang đối phó nạn bạo hành gia đình bằng cách xây nhà lánh nạn thì tại Đắk Lắk, người phụ nữ lại hỗ trợ công ăn việc làm để thoát ra khỏi ý nghĩ phụ thuộc. Trong khi đó ở Lào Cai và Tiền Giang, vấn đề được quan tâm nhất chính là làm thế nào để người phụ nữ thoát nghèo, tự làm chủ được kinh tế từ đó tự quyết định việc nuôi con ăn học, chăm lo kinh tế gia đình.

Bà Phạm Nguyên Cường, Vụ phó Vụ bình đẳng giới cho biết: “Những mô hình cho vay vốn làm ăn, dạy nghề, xây nhà để phụ nữ bị bạo hành lánh nạn dù mới chỉ được triển khai thử nghiệm tại một số tỉnh thành những nó đã phát huy hiệu quả. Mới nhất, tại Tiền Giang đã có tới 12% gia đình thoát nghèo nhờ sự hỗ trợ vốn của NMA (Norwegian Mission Alliance), Na Uy. Trong khi đó, Hội phụ nữ của tỉnh này đã giúp 20% đối tượng phụ nữ cần vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tài chính quy mô. Con số này có thể không lớn nhưng nó khẳng định mọi sự hỗ trợ đều đem lại hiệu quả nếu các cấp, các ngành quyết tâm làm”.

Nhưng những biện pháp trên có phải là triệt để? Nhiều cán bộ sở ngành cho rằng, cách giải quyết hiện tại chỉ mới nhắm đến phần ngọn. Phần gốc của vấn đề bình đẳng giới nằm ở chính tư tưởng của người phụ nữ.

Tại Huế, chị T.H, một nạn nhân của bạo hành gia đình cho biết, dù có việc làm ổn định, đủ khả năng nuôi con nhưng chị không dám bỏ chồng dù thường xuyên bị chồng đánh đập sau mỗi cơn say. Cách tránh né duy nhất của chị là thường xuyên ở lại nơi làm việc và chỉ về nhà khi biết chồng mình tỉnh rượu. Chính sự né tránh đó đã khiến các ông chồng ảo tưởng vào quyền hành của mình trong gia đình.

Bà Cường cho biết, ngay trong các cuộc hội thảo, nhiều đại biểu đã góp ý cần thay đổi nhận thức của người phụ nữ trong vấn đề bình đẳng giới. Ngay cả ở những thành phố lớn, có những tư tưởng cho rằng bình đẳng tức là sự chia sẻ 50/50. Đó là quan điểm hoàn toàn sai lầm.

“Đối với tôi, bình đẳng trong gia đình là sự chia sẻ chứ không phải hôm nay tôi làm cái này thì ngày mai anh sẽ là cái kia”, ông Nguyễn Văn Đàn Phó Giám đốc sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đắk Lắk khẳng định.

Cuộc hành trình của Nora tạm khép lại nhưng đã mở ra những hi vọng mới cho mỗi “Nora Việt Nam” trên cả nước trong quá trình tiến tới Bình đẳng giới. Đặc biệt, nó đã phần nào đã tác động vào ý thức, trước hết với những người có trách nhiệm trong cộng đồng, tiếp đến là chính những người phụ nữ … góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam trong những bối cảnh kinh tế, xã hội, văn hóa khác biệt ở các vùng trong cả nước./.

Bà Vũ Ngọc Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới cho biết: “Số lượng phụ nữ là đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2011 đều tăng từ 16 - 22%. Trong khi đó cán bộ công chức nữ đang làm việc trong các cơ quan nhà nước cũng đã chiếm gần 32%, trong đó lãnh đạo là nữ chiếm khoảng 18,4%.

Riêng trong lĩnh vực kinh tế và lao động, tỉ lệ có việc làm giữa nam và nữ là gần tương đương nhau. Điều này chứng tỏ các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới tại Việt Nam đang được thực hiện tốt”.
 
Đại sứ Na Uy tại Việt Nam Kjell Storløkken: Việc lựa chọn 4 tỉnh đại diện cho các vùng địa lý khác nhau sẽ cho thấy kinh nghiệm thực thi chính sách và thực tiễn áp dụng luật đa dạng của các lực lượng khác nhau trong xã hội.

Ví dụ, các đại biểu tham dự hội thảo sẽ có dịp đi thăm các dự án của các tổ chức phi chính phủ Na Uy tại Việt Nam như dự án về Bình đẳng giới-Phòng chống bạo lực gia đình của Tổ chức NAV (Nordic Assistance to Vietnam) tại Huế, và dự án tín dụng nhỏ của Tổ chức NMA (Norwegian Mission Alliance) tại Tiền Giang nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ trong lao động và việc làm.
 
Hội thảo “Các chị em của Nora” chỉ là một ví dụ cho những cách thức đầy sáng tạo để chuyển tải thông điệp đến với công chúng và đưa vấn đề bình đẳng giới lên bàn nghị luận ở Việt Nam.

Tôi tin rằng người dân Việt Nam cần cù và sáng tạo ở tất cả các tỉnh sẽ tìm ra phương cách hiệu quả nhất để giải quyết những vấn đề trong cộng đồng của họ, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới ở đất nước gần 86 triệu dân này. 
Tuấn Cao (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục