Bình Định gỡ khó về vốn và hạ tầng, tăng tiến độ đóng tàu cá

Bình Định gỡ khó về vốn và hạ tầng để tăng tiến độ đóng tàu cá

Tỉnh Bình Định chỉ đạo gỡ khó về vốn, cơ sở hạ tầng cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền nhằm đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ ngư dân đóng tàu cá theo Nghị định 67/CP.
Bình Định gỡ khó về vốn và hạ tầng để tăng tiến độ đóng tàu cá ảnh 1Tàu đánh bắt xa bờ đang được đóng tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan. (Ảnh : Viết Ý/TTXVN)

Sau một thời gian triển khai Nghị định 67/CP về việc hỗ trợ đóng tàu cá vỏ sắt, vỏ gỗ và vật liệu mới, tỉnh Bình Định đã có nhiều nỗ lực và bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn một số vướng mắc cần tháo gỡ nốt vào thời gian tới.

Kết quả bước đầu

Về kết quả triển khai chương trình đóng mới tàu cá theo Nghị định 67 /CP, ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, đến nay Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt được 4 đợt các chủ tàu có điều kiện đóng mới tổng cộng 124 chiếc và 1 đợt các chủ tàu đủ điều kiện vay vốn nâng cấp 6 tàu cá; trong đó 124 tàu xin đóng mới, có 70 tàu vỏ thép, 48 tàu vỏ gỗ, 6 tàu vỏ composite.

Đồng thời đến ngày 15/2 có 38 chủ tàu đã ký hợp đồng tín dụng với các ngân hàng với tổng số vốn giải ngân trên 602 tỷ đồng.

Đối với tàu vỏ thép, đến nay đã có 35 chủ tàu ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng và thi công đóng tàu.

Về tàu vỏ gỗ được phê duyệt đóng mới có 48 chiếc; tàu vật liệu composite có 6 chiếc.

Đối với chính sách bảo hiểm tàu cá, đến nay Ủy ban Nhân dân tỉnh đã phê duyệt tàu cá đủ điều kiện đăng ký để được hưởng chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67/CP là 1.767 tàu. Trong đó, Quy Nhơn 148 tàu; Phù Cát 255 tàu; Phù Mỹ 184 tàu và Hoài Nhơn 1.180 tàu.

Công ty bảo hiểm PJico đã bán bảo hiểm cho ngư dân với tổng số phí trên 16,3 tỷ đồng. Trong đó tổng ngân sách nhà nước phải hỗ trợ hơn 14,5 tỷ đồng và Ủy ban Nhân dân tỉnh đã tạm ứng kinh phí trả cho công ty Bảo hiểm PJico để hỗ trợ phí bảo hiểm cho ngư dân trên 10,3 tỷ đồng.

Tháo gỡ khó khăn còn lại

Tìm hiểu về vấn đề này, ông Nguyễn Trà Dương, Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho hay, mặc dù việc triển khai đóng tàu theo chương trình Nghị định 67/CP đối với kế hoạch của tỉnh còn chậm nhưng nếu so với các tỉnh, thành phố trong toàn quốc thì Bình Định là tỉnh triển khai nhanh nhất.

Theo ông Dương, để tháo gỡ khó khăn trước hết cần yêu cầu ngư dân phải thực hiện đầy đủ hồ sơ pháp lý khi gửi đến ngân hàng (phương án sản xuất kinh doanh, dự toán đã được cấp trên thẩm định và các thủ tục quy định khác); khắc phục sự thiếu đồng bộ trong các khâu từ thiết kế vỏ tàu đến thiết kế trang thiết bị ngư lưới cụ và cơ sở đóng tàu đủ năng lực.

Riêng về phía ngân hàng nhà nước sẽ thường xuyên chỉ đạo và theo dõi các ngân hàng thương mại trên địa bàn tạo mọi điều kiện rút ngắn thời gian và loại trừ các giấy tờ thủ tục không cần thiết để tạo cho ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay kịp thời.

Ngoài ra, lượng tàu đóng mới công suất lớn hạ thuỷ ngày càng nhiều, nhưng các nơi neo đậu tàu thuyền tại Cảng cá Tam Quan (Hoài Nhơn) và Đề Gi (Phù Cát) hiện đang quá tải…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần bố trí vốn để nạo vét luồng lạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão trên địa bàn tỉnh.

Ngư dân Võ Thành Duy, xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn là người đã đóng tàu vỏ thép tại Công ty Cổ phần Cơ khí thương mại và xây dựng Hải Phòng chia sẻ, hiện tàu đã đóng xong, hạ thuỷ và đang chờ cấp giấy đăng kiểm xuất bến chạy về Bình Định. Để đẩy nhanh tiến độ đóng tàu vỏ thép, tỉnh nên sớm xây dựng nhà máy đóng tàu vỏ thép trên địa bàn tỉnh giúp ngư dân đỡ vất vả trong việc đi lại và chi phí cho chủ tàu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục