Bình quân mỗi người Việt chi gần 38 USD để mua thuốc tân dược

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tiền thuốc tính trên bình quân đầu người trong 10 tháng đầu năm 2015 đạt mức 37,9 USD, tăng 10% so với năm 2014 và tăng gần gấp đôi so với năm 2009.
Bình quân mỗi người Việt chi gần 38 USD để mua thuốc tân dược ảnh 1Sản xuất thuốc theo tiêu chuẩn GMP-WHO tại một công ty dược phẩm. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, tiền thuốc bình quân đầu người 10 tháng đầu năm 2015 đạt mức 37,9 USD, tăng 10% so với năm 2014 và tăng gần gấp đôi so với năm 2009.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đưa ra trong ​Hội thảo nâng cao sức khỏe người bệnh: Tầm quan trọng của chất lượng và phát minh trong lĩnh vực dược phẩm do Tiểu ban Dược phẩm, thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp ​châu Âu tại Việt Nam đã tổ chức sáng 16/3, tại Hà Nội.

Theo ​Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn, trong thời gian qua, cùng với những đổi mới của ngành y tế, lĩnh vực dược đã từng bước phát triển, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Trong 10 tháng đầu năm 2015, tổng giá trị tiền thuốc sản xuất trong nước đạt 1,649 ​tỷ USD, tăng 18% so với cả năm 2014. Sản lượng ​trong nước đã đáp ứng được 48% nhu cầu sử dụng thuốc của nhân dân

Hiện nay, dự thảo Luật Dược sửa đổi đang được Quốc hội xem xét và thông qua trong thời gian tới. Sau đó, ​các thông tư hướng dẫn đấu thầu thuốc cũng sẽ sớm được ban hành. Trong Luật dược sẽ có những quy định mới thích hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các hoạt động đổi mới, sáng tạo trong lĩnh vực dược cũng như khuyến khích các sản phẩm dược chất lượng cao​.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận về tầm quan trọng của chất lượng dược phẩm trong việc nâng cao sức khoẻ người bệnh và các giải pháp thúc đẩy phát triển thuốc phát minh trong ngành công nghiệp dược phẩm Việt Nam.

Đặc biệt, các diễn giả quốc tế đã chia s​ẻ những bài học và kinh nghiệm quốc tế trong công tác quản lý chất lượng dược phẩm cũng như kinh nghiệm đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái và những biện pháp khuyến khích dược phẩm phát minh.

Các diễn giả cũng thảo luận về tình hình chất lượng và an toàn dược phẩm của Việt Nam, đề xuất những kiến nghị cụ thể nhằm nâng cao chất lượng dược phẩm và các chính sách khuyến khích phát minh dược phẩm.

Ông Bradley Silcox, Chủ tịch Tiểu ban Dược phẩm đã khẳng định cam kết của tiểu ban trong việc phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam phát triển một ngành công nghiệp dược phẩm với chất lượng cao và bền vững.

"Chúng tôi luôn sẵn hàng hợp tác cùng các cơ quan hữu quan Việt Nam để tạo ra những diễn đàn đối thoại với sự tham gia của các cơ quan chính phủ, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ và các doanh nghiệp ​nhằm mục đích cùng nghiên cứu, thảo luận và đưa ra những giải pháp để phát triển ngành công nghiệp dược phẩm chất lượng và bền vững,​” ông Bradley Silcox nhấn mạnh.

Cũng tại hội nghị, tiến sỹ Socorro Escalante - Chuyên gia kỹ thuật và Cố vấn về chính sách dược phẩm của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam đã chia sẻ một số tác động của sự thay đổi chính sách và quy định pháp luật trong ngành công nghiệp dược dưới góc nhìn của Tổ chức Y tế Thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục