Bình Thuận hỗ trợ ngư dân đóng mới và nâng cấp 134 tàu cá

Bình Thuận đã phê duyệt danh sách đóng mới, nâng cấp tàu cá cho 134 tàu cá cho ngư dân, trong số đó, có 15 tàu cá đã được Agribank giải ngân gần 60 tỷ đồng.
Bình Thuận hỗ trợ ngư dân đóng mới và nâng cấp 134 tàu cá ảnh 1Nâng cấp tàu cá theo nghị định 67. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Qua hơn một năm thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đã được ngư dân tham gia hưởng ứng tích cực.

Tính đến ngày 17/9, số lượng đăng ký đóng mới, nâng cấp được Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt là 134 tàu cá; trong đó có 15 tàu cá đã được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân với số tiền gần 60 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Hữu Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 17/9, tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt danh sách đóng mới, nâng cấp tàu cá cho 134 tàu cá; trong đó đóng mới 101 chiếc (75 tàu vỏ gỗ, 20 tàu vỏ thép, 6 tàu vật liệu mới); nâng cấp cải hoán 33 chiếc. Về cơ cấu nghề nghiệp tàu đóng mới có 15 tàu dịch vụ hậu cần và 86 tàu khai thác.

Để tạo thuận lợi cho bà con ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu cá, Sở cũng đã khảo sát và công bố danh sách 11 cơ sở có đủ điều kiện đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá vỏ gỗ trên địa bàn tỉnh; trong đó tàu dưới 400 CV có 5 cơ sở và tàu từ 400 CV trở lên có 6 cơ sở.

Vấn đề vay vốn đóng mới tàu cá cũng được tỉnh đôn đốc triển khai sớm cho ngư dân. Đến nay, đã có 15 tàu cá được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân với số tiền hơn 60 tỷ đồng; trong đó huyện đảo Phú Quý có 10 chiếc và thị xã La Gi 5 chiếc.

Công ty Bảo Việt Bình Thuận đã thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67 với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng cho 389 tàu và 6.027 thuyền viên.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, như nhiều chủ tàu có khó khăn trong việc bảo đảm vốn đối ứng. Tỉnh chưa có cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu vỏ thép.

Các ngân hàng còn lúng túng trong khâu thẩm định phương án sản xuất, khả năng tài chính và tính hiệu quả của dự án. Ngoài Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham gia tốt chính sách tín dụng, các ngân hàng khác còn thiếu chủ động trong việc tiếp cận ngư dân…

Theo ông Huỳnh Thanh Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Thuận, Nghị định 67/2014/NĐ-CP ra đời là một chủ trương rất đúng đắn để hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ.

Bên cạnh đó, chương trình này còn hỗ trợ để tổ chức lại mô hình sản xuất, các dịch vụ đi kèm về hạ tầng cơ sở làm cho hoạt động đánh bắt xa bờ ngày càng tốt hơn… Chính vì vậy, việc nâng cấp và đóng mới tàu công suất lớn theo Nghị định này của Chính phủ được tỉnh triển khai khẩn trương trong thời gian qua.

Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP; trong quá trình thực hiện, vướng đến đâu, phải giải quyết đến đó. Mục tiêu là mang lại hiệu quả và thúc đẩy việc tổ chức lại nghề cá cho phù hợp; đồng thời khuyến khích khai thác xa bờ, thông qua đó ngư dân góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục