Bỏ chấp thuận tuyến: Bộ GTVT quyết buông, Sở lo “tháo khoán”

Bộ Giao thông Vận tải quyết bỏ thủ tục chấp thuận khai thác xe khách tuyến cố định hai đầu tuyến nhưng các Sở Giao thông Vận tải lại lo phá vỡ quy hoạch và “tháo khoán” tuyến.
Bỏ chấp thuận tuyến: Bộ GTVT quyết buông, Sở lo “tháo khoán” ảnh 1Xe khách chạy tuyến cố định ở bến xe Giáp Bát. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Liên quan đến vấn đề bỏ bỏ thủ tục chấp thuận khai thác xe khách tuyến cố định hai đầu tuyến (khi đã có quy hoạch tuyến), Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã hai lần quả quyết muốn bỏ và giao trách nhiệm cho Sở Giao thông Vận tải thực hiện công tác hậu kiểm.

Tuy nhiên, đại diện nhiều Sở Giao thông Vận tải địa phương lại lo ngại sự phá vỡ quy hoạch luồng tuyến và cho rằng chẳng khác nào “tháo khoán” vận tải khách tuyến cố định.

Bộ Giao thông quyết buông

Tại Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải vào giữa tháng Bảy vừa qua, theo đại diện các doanh nghiệp vận tải, quy hoạch luồng tuyến là mối quan tâm rất lớn của doanh nghiệp vận tải, trong đó có câu chuyện chấp thuận tuyến giữa hai Sở Giao thông Vận tải của nơi xe đi và đến. Vì thế, nhiều chủ doanh nghiệp kiến nghị chỉ cần đăng ký một trong hai nơi đi và nơi đến.

Giải đáp ngay vướng mắc của các doanh nghiệp, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã chỉ đạo Vụ Vận tải xem xét, sửa đổi quy định để bỏ việc chấp thuận khai thác hai đầu tuyến đối với Sở Giao thông Vận tải hai đầu và được các đơn vị vận tải ủng hộ nhiệt tình.

Theo đó, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ cần căn cứ vào quy hoạch luồng tuyến của địa phương đó rồi gửi hồ sơ thông báo mở tuyến về Sở Giao thông Vận tải nơi đến/đi để nắm thông tin mà không cần phải chờ phía Sở chấp thuận mới được chạy xe.

Tại Hội nghị sơ kết chín tháng của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra ngày 12/10, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, dù Bộ trưởng đã kết luận tại hội nghị đối thoại với doanh nghiệp sẽ bỏ thủ tục chấp thuận xe vào tuyến (khi đã có quy hoạch tuyến) nhưng tới nay, Vụ Vận tải vẫn đang tìm giải pháp để thực hiện.

“Các doanh nghiệp vận tải rất mừng khi Bộ trưởng nói thế, làm được vậy sẽ xoá cơ chế xin-cho, bớt thời gian đi lại của các doanh nghiệp, những khâu vốn rất dễ nảy sinh tiêu cực,” ông Thanh giãi bày.

Liên quan đến việc này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) báo cáo, Vụ đã tích cực làm việc với Hiệp hội, Sở Giao thông Vận tải và các doanh nghiệp để triển khai, nhưng phía các Sở còn nhiều băn khoăn.

Truy vấn ngay tại cuộc họp, Bộ trưởng Đinh La Thăng liên tiếp đặt câu hỏi, băn khoăn ở đây là băn khoăn gì? Băn khoăn là để còn tiêu cực chứ còn sao nữa? Còn để thủ tục chấp thuận là phải mất tiền. Tôi đã nói là không thí điểm.

“Việc chấp thuận tuyến là ai quyết định, Bộ hay Sở? Nếu là Bộ quyết định thì Bộ có quyền bỏ. Nếu các ông bảo chỉ thực hiện theo Thông tư mà kết luận Bộ trưởng tại các cuộc họp không thực hiện thì họp làm gì? Thế thì cứ theo Thông tư mà làm, cần gì họp nữa,” Bộ trưởng gay gắt nói.

Khẳng định quy hoạch luồng tuyến là mối quan tâm rất lớn của doanh nghiệp vận tải, đại diện lãnh đạo bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) cho rằng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo bỏ chấp thuận khai thác xe khách tuyến cố định hai đầu tuyến sẽ tạo điều kiện, thông thoáng về mặt thủ tục, đơn giản rút ngắn thời gian đăng ký cho doanh nghiệp là đúng nhưng cũng phải quản lý chặt chẽ được hoạt động này.

“Khi đơn vị vận tải đăng ký tuyến, chạy khung giờ nào thì sẽ thông báo đến cơ quan quản lý. Trong trường hợp luồng tuyến bị đăng ký kín chỗ thì cơ quan có thẩm quyền phải họp lại để điều chỉnh trên cơ sở bến xe đó có tiếp nhận được lượng phương tiện nữa hay không,” vị đại diện bến xe Nước Ngầm cho hay.

Đề cập đến công tác hậu kiểm của Sở Giao thông Vận tải, lãnh đạo bến xe Nước Ngầm cho biết, Nhà nước có thể kiểm soát được thông qua thiết bị hộp đen và hàng tháng doanh nghiệp vận tải đều có báo cáo, thống kê về biểu đồ xe chạy, hướng tuyến…

Lo “tháo khoán” tuyến sẽ vỡ quy hoạch!

Nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự chấp thuận tuyến của hai Sở Giao thông Vận tải đầu đi và đến, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội nhìn nhận, các Sở Giao thông Vận tải chính là đầu mối cuối cùng quản lý luồng tuyến, quản lý các doanh nghiệp chạy theo đúng luồng tuyến đã quy định, đăng ký.

Giải thích rõ hơn, theo ông Nguyễn Hoàng Linh, trên tuyến, biểu đồ vận tải sẽ có nhiều đơn vị vận tải tham gia. Trong trường hợp nhiều doanh nghiệp đăng ký chạy cùng luồng tuyến thì sẽ phá vỡ quy hoạch. Do đó, các Sở Giao thông Vận tải chính là các trọng tài để can thiệp.

Bổ sung thêm, vị lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, nếu bỏ chấp thuận tuyến, cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn không nắm được thực trạng số lượng, sản lượng hoạt động vận tải của địa phương quản lý. Các báo cáo của doanh nghiệp vận tải và bến xe đều không bị ràng buộc bằng bất cứ chế tài nào nếu bỏ chấp thuận tuyến.

Hơn nữa, chế tài xử lý vi phạm của đơn vị khai thác bến xe chưa đủ, chưa có tính răn đe cao, không thể dừng hoạt động của bến xe dù bến có nhiều vi phạm, chỉ có chế tài điều chuyển luồng tuyến sang bên khác khi bến xe vi phạm và việc xử lý vi phạm cũng không thực hiện được nếu các đơn vị vận tải và bến xe thỏa thuận với nhau.

“Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định bỏ chấp thuận khai thác tuyến hai đầu, Sở Giao thông Vận tải là cấp dưới sẽ thực hiện theo chỉ đạo. Nếu bỏ thì quản lý Nhà nước đối với vận tải khách liên tỉnh tuyến cố định sẽ cực kỳ khó khăn bởi bỏ rồi Sở Giao thông Vận tải không biết quản lý vận tải khách liên tỉnh bằng cái gì? Điều đó đồng nghĩa là buông quản lý vận tải khách liên tỉnh,” ông Nguyễn Hoàng Linh khẳng định.

Theo ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Vận tải Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng, doanh nghiệp gửi thông báo mở luồng tuyến phù hợp quy hoạch nhưng còn liên quan đến giờ chạy xe hai đầu bến, hành trình chạy xe trên địa bàn hai địa phương nơi đi/đến.

“Hai đầu Sở Giao thông Vận tải phải kiểm tra, thẩm định lại. Vì vậy, vẫn cần sự quản lý, điều tiết của địa phương. Bộ Giao thông Vận tải muốn bỏ quy định này thì phải sửa đổi Thông tư 63/2014-TT-BGTVT và Nghị định 86/2014/NĐ-CP,” ông Nguyễn Quang Hiếu nói./.

Hiện nay cả nước có 1.238 đơn vị kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh, tập trung nhiều ở vùng Đồng bằng sông Hồng và miền Trung. Quy mô doanh nghiệp nhìn chung là nhỏ (42% đơn vị có 5 xe trở xuống, 14% có 6-10 xe, 34% có từ 11-50 xe, chỉ có 8% có trên 50 xe và 2% có trên 100 xe).

Toàn quốc có khoảng 22.633 phương tiện vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Rất nhiều tuyến có cự ly dài từ 300km, thậm chí từ 150km cũng đã được doanh nghiệp đầu tư phương tiện mới, sức chứa lớn trên 45 chỗ hoặc xe có giường nằm. Số lượng xe giường nằm là 7.792 xe, chiếm khoảng 34% tổng số phương tiện.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục