Bỏ con dấu để "cởi trói" thủ tục hành chính cho doanh nghiệp

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, việc bỏ con dấu là động thái “cởi trói” thủ tục hành chính mạnh mẽ cho doanh nghiệp và phải áp dụng càng sớm càng tốt.
Bỏ con dấu để "cởi trói" thủ tục hành chính cho doanh nghiệp ảnh 1Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội , việc bỏ quy định bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu trong hoạt động kinh doanh thời hiện đại là một đột phá trong việc cải cách thủ tục hành chính thông qua đó, giúp cho doanh nghiệp hội nhập tốt hơn với thế giới.

Bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII sáng 10/11, ông Nguyễn Văn Phúc đã có một số chia sẻ với báo chí xung quanh Dự án Luật đầu tư (sửa đổi) và điểm nhấn là việc bỏ con dấu doanh nghiệp nhằm tạo sự đột phá trong cải cách hành chính.

- Trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) có một điểm mới đó là bỏ quy định bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu trong một số trường hợp, vậy ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi này?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Con dấu từng là một phần không thể tách rời trong hoạt động kinh doanh hàng ngày của công ty và doanh nghiệp khi không có các hình thức khác được chấp nhận rộng rãi để xác định giá trị thực của văn bản. Tuy nhiên, trong thế giới hiện đại, các lập luận ủng hộ việc sử dụng con dấu công ty đã không còn phù hợp nữa.

Việc dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) bỏ quy định bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu là tín hiệu mừng cho thấy đã có sự tiến bộ vượt bậc về mặt tư duy cải cách tại Việt Nam.

Tôi cho rằng việc không cần, không bắt buộc doanh nghiệp phải sử dụng con dấu nhằm giảm bớt thủ tục phiền hà cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, có ý kiến phải tính đến điều kiện của Việt Nam nên trong dự án Luật sửa đổi quy định, nếu sử dụng con dấu doanh nghiệp được quyền quyết định hình thức, nội dung của con dấu và trách nhiệm của doanh nghiệp là phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và mẫu con dấu này sẽ được công khai.

Trong trường hợp sau này, nếu xảy ra việc con dấu giả thì cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào đăng ký này của doanh nghiệp để điều tra, làm rõ.

- Vậy trong trường hợp cụ thể nào doanh nghiệp sẽ không phải sử dụng con dấu thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Dự án Luật đầu tư (sửa đổi) quy định rất linh hoạt việc doanh nghiệp sử dụng con dấu hay không. Nếu trong giao dịch đối tác không yêu cầu sử dụng con dấu, thay vào đó chỉ cần chữ ký của người lãnh đạo thì doanh nghiệp không cần sử dụng con dấu.

Nhưng trong một vài trường hợp cụ thể Chính phủ quy định cần xác nhận tính xác thực của doanh nghiệp thì phải ký và sử dụng con dấu. Ví dụ: cơ quan nhà nước đến doanh nghiệp và yêu cầu cung cấp thông tin về nhân sự nào đó chẳng hạn, thì có thể sẽ phải sử dụng con dấu. Trong những trường hợp này thì Chính phủ sẽ quy định cụ thể.

Việc không dùng con dấu đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu do có thể bị làm giả một cách dễ dàng. Ở Việt Nam, tôi cho rằng, phải cải cách mạnh mẽ về con dấu, vì thực tế vừa qua con dấu gây phiền hà cho doanh nghiệp và tốn phí.

- Như ông đã nói đây sẽ là một khâu đột phá về cải cách hành chính, vậy với điều kiện của Việt Nam theo ông thì khi nào nên áp dụng quy định bỏ con dấu cho doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Như tôi đã nói đây là động thái “cởi trói” thủ tục hành chính mạnh mẽ cho doanh nghiệp, nên phải áp dụng càng sớm càng tốt. Khi chúng tôi làm việc với các tổ chức quốc tế như Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thì họ đều cho rằng, nếu Việt Nam cải cách được thủ tục liên quan tới con dấu thì sẽ nâng được vị trí xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam.

Dự án Luật đưa ra giải pháp tương đối phù hợp với điều kiện, có quy định những trường hợp doanh nghiệp ko phải sử dụng con dấu như khi đối tác ký hợp đồng không yêu cầu sử dụng con dấu.

- Nhưng cũng có lo ngại, nếu không dùng con dấu thì sẽ nảy sinh những hệ lụy cho hoạt động của doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Phúc: Trong vấn đề gì, lĩnh vực nào cũng có trường hợp lạm dụng giả mạo chứ không chỉ có con dấu. Do đó phải quản lý bằng cách khác. Ví dụ, doanh nghiệp phải thông báo hoặc đăng ký mẫu và công khai mẫu con dấu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để tới khi có phát sinh hệ lụy thì có thể căn cứ vào đó xác minh.

Đối với chức năng quản lý của các bộ ngành liên quan thì trong những lần trao đổi, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng rất ủng hộ cải cách mạnh mẽ vấn đề này.

Còn về phía Bộ Công an, lâu nay cũng có trách nhiệm quản lý con dấu của doanh nghiệp, nhưng theo quan điểm tới đây về cải cách thủ tục hành chính thì tôi cho rằng cần phân loại rõ ràng việc quản lý con dấu. Đơn cử, Bộ công an chỉ nên quản lý con dấu của cơ quan nhà nước và tổ chức, còn con dấu của doanh nghiệp thì không nhất thiết, do cơ quan này có nhiều biện pháp nghiệp vụ chống lại gian lận con dấu, nên không nhất thiết phải nắm quyền quản lý con dấu của doanh nghiệp.

Theo dự án Luật thì doanh nghiệp sẽ tự khắc, tự định vị mẫu con dấu của mình và chỉ cần đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước.

- Xin cảm ơn ông đã tham gia cuộc trả lời phỏng vấn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục