Bộ Công Thương giải thích khái niệm về hàng "Made in VietNam"

Đại diện Bộ Công Thương giải thích hàng Việt Nam là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật và không phải hàng hóa nhập khẩu.
Bộ Công Thương giải thích khái niệm về hàng "Made in VietNam" ảnh 1Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: PV/Vietnam+)

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus trong khuôn khổ chương trình nhận diện hàng Việt ngày 23/9, khái niệm hàng "Made in Vietnam" đã được đại diện Bộ Công Thương ​giải thích cụ thể.

Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, hàng Việt Nam ​hoặc hàng hóa thương hiệu Việt đã có định nghĩa chính thức tại Tài liệu tuyên truyền Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì biên soạn và phát hành vào tháng 11/2012.

[Sau 6 năm, vẫn chưa có định nghĩa chuẩn về hàng "Made in Việt Nam"]

Theo đó, hàng Việt Nam là sản phẩm hàng h​óa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tuân thủ pháp luật của Nhà nước Việt Nam; không phải hàng h​óa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài.

Trong khi đó, hàng hóa thương hiệu Việt là hàng hóa do các doanh nghiệp, nhà sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam sở hữu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.

Trước khái niệm trên, khi ​phân tích về hàng hóa của Samsung sản xuất tại Việt Nam, đại diện Bộ Công Thương cho biết, tất cả các sản phẩm của các doanh nghiệp FDI sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam cũng đều được coi là hàng Việt Nam.

“Trong các luật đầu tư, luật doanh nghiệp, các tổ chức được thành lập hợp pháp tại Việt Nam, sản xuất lắp ráp cũng như dịch vụ được thực hiện tại Việt Nam, bởi người Việt thì được gọi là hàng Việt Nam. Theo đó, Samsung hay bất luận doanh nghiệp FDI nào, hợp tác xã hay công ty Trách nhiệm hữu hạn được thành lập hợp pháp ở Việt Nam, sản xuất ở Việt Nam thì là hàng Việt Nam”, ông Quyền nói.

Tính đến thời điểm hiệm nay, Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã thực hiện được gần 6 năm, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, việc chưa làm rõ khái niệm thế nào là hàng Việt Nam có thể dẫn đến việc kích cầu nhầm cho hàng ngoại.

Trước đó, đưa ra ý kiến tại Hội nghị tập huấn Tuyên truyền về cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", do Bộ Công Thương tổ chức ​hôm 27/8, tại Hà Nội, ông Huỳnh Đắc Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, trong khi hàng hóa là máy móc, thiết bị đã có quy chuẩn thì ngược lại, hàng tiêu dùng vẫn chưa có một định nghĩa ​chính xác để làm căn cứ xác định đâu là hàng Việt.

"Nếu chúng ta không phân biệt được rõ khái niệm hàng Việt Nam thì có thể dẫn tới việc cổ vũ nhầm," ông Huỳnh Đắc Thắng nói.

Bộ Công Thương giải thích khái niệm về hàng "Made in VietNam" ảnh 2Nhiều siêu thị cho biết tỷ lệ hàng Việt Nam được họ bày bán đã chiếm trên 90%. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)

Liên quan đến sức ép ngày càng tăng đối với hàng hóa sản xuất trong nước khi Việt Nam ký kết hàng loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA), ông Võ Văn Quyền lý giải, từ sau Đại hội Đảng năm 1986, khi xác định đổi mới và hội nhập, mở cửa cho hàng hóa vào Việt Nam thì điều này đã gây sức ép cho doanh nghiệp.

Ông Quyền cho rằng, từ thực tế Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới WTO (năm 2007), nhiều thương hiệu Việt đã có những bước tiến để vươn ra thế giới nhưng ngược lại cũng có sức ép trở lại buộc các doanh nghiệp phải đổi mới để cạnh tranh tốt hơn.

Theo ông Quyền, với vai trò chủ trì trong đàm phán mở cửa thị trường, Bộ Công Thương đã xây dựng kịch bản, mở cửa từng phần và mở cửa có lộ trình, tạo áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. Trong đó, vai trò của nhà nước là tạo khung pháp lý xây dựng các bộ luật để phù hợp, tạo môi trường cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập.

"Các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia cũng tổ chức đoàn đi các hội trợ quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp bằng nhiều cách như truyền thông, chính sách, kết nối cung cầu, triển lãm, bán hàng về nông thôn, chính sách kết nối với doanh nghiệp nước ngoài tạo chuỗi giá trị gia tăng... Tất cả các yếu tố hỗ trợ đó tạo ra khả năng cạnh tranh để doanh nghiệp sẵn sàng đối đầu khi hội nhập quốc tế”, ông Quyền khẳng định./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục