Bộ Công Thương: Nhiều sản phẩm đã thành niềm tự hào của người Việt

Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay nhiều sản phẩm hàng hóa đã chinh phục được người tiêu dùng và trở thành niềm tự hào của người Việt Nam.
Bộ Công Thương: Nhiều sản phẩm đã thành niềm tự hào của người Việt ảnh 1Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại Gala Tổng kết Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

"Từ chỗ vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đến nay chúng ta đã có nhiều sản phẩm hàng hóa chinh phục được người tiêu dùng, trong đó, nhiều sản phẩm trở thành niềm tự hào của người Việt Nam."

Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại Gala Tổng kết Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2018 (Gala Tự hào hàng Việt Nam năm 2018) do Bộ Công Thương tổ chức sáng 21/10, tại Hà Nội.

[Fivimart về tay Vingroup: Bản đồ hàng Việt tiếp tục được vẽ lại]

Thông tin thêm, theo ông Hải, thông qua các hoạt động truyền thông phong phú của Chương trình, người tiêu dùng và doanh nghiệp nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về năng lực và trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam, chất lượng sản phẩm Việt Nam để từ đó lan tỏa tình yêu hàng Việt tới hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam.

Đáng chú ý, Chương trình năm nay đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều hoạt động hỗ trợ xây dựng một môi trường sinh thái để trong đó, các doanh nghiệp lớn và nhỏ, các doanh nghiệp sản xuất cùng doanh nghiệp phân phối, trở thành những đối tác của nhau và  mở ra những không gian kết nối chia sẻ, góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm Việt Nam... nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và sản phẩm.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đánh giá cao Bộ Công Thương trong việc tập trung các nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường và tổ chức thực hiện nhiều hoạt động truyền thông góp phần xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Theo đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban chỉ đạo Cuộc vận động đề ra mục tiêu đến năm 2020 có 100% người tiêu dùng và doanh nghiệp biết đến Cuộc vận động; 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bộ, ngành và tổ chức chính trị - xã hội xây dựng được kênh truyền thông “Tự hào hàng Việt” đồng thời hàng Việt có thế mạnh chiếm 80% thị phần tại các kênh phân phối truyền thống ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa…

“Tôi đề nghị Bộ Công Thương sẽ tiếp tục có nhiều chương trình, hoạt động rộng khắp, để tăng cường công tác truyền thông, quảng bá cho các sản phẩm Việt, giúp người tiêu dùng biết đến các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ uy tín, có chất lượng. Đồng thời vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ, thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; xây dựng được thương hiệu quốc gia cho nhiều sản phẩm, hàng hóa Việt Nam,” ông Ngô Sách Thực nói./.

Đây là năm thứ 4 liên tiếp Chương trình “Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam” được tổ chức. Chương trình có quy mô lớn, với nhiều hoạt động diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước, nhằm góp phần giáo dục ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc ở mọi người dân Việt Nam trong việc sản xuất, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam.

Chương trình được khởi động từ đầu năm 2018, trong đó có các sự kiện trọng tâm gồm: Lễ Khởi động Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam, Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt Nam, Hội nghị tuyên truyền, phổ biến các mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam tại khu chế xuất, khu công nghiệp và bàn về các giải pháp phát triển thị trường trong nước khu vực phía Bắc tại Quảng Ninh và một Hội nghị tương tự ở khu vực phía Nam - Thành phố Cần Thơ…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục