Bộ đội Biên phòng đem mùa Xuân đến nơi bản làng

Với sự giúp đỡ của những người chiến sỹ biên phòng, một mùa Xuân mới những sự đổi thay lại đến với những bản làng nơi biên cương Tổ quốc.
Tây Bắc vào Xuân, núi rừng Hoàng Liên dọc biên giới đã thay lá, hoa Đỗ quyên, hoa đào cùng khoe sắc với những người lính biên phòng Lào Cai ngày đêm chắc tay súng bảo vệ vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Một mùa Xuân mới đến với những hứa hẹn, đổi thay trên khắp miền biên giới của tỉnh Lào Cai. Trong những năm qua, được sự hỗ trợ, hướng dẫn tận tình của lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh, người dân ở đây đã thay đổi phương thức canh tác. Cuộc sống người dân vùng biên Lào Cai vì vậy đang ngày càng đổi thay.

Hiệu quả từ "Ba bám, bốn cùng"

Lào Cai có tuyến biên giới giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) dài trên 200km, có trên 20 xã, phường thị trấn và trên 100 thôn bản dọc tuyến biên giới. Địa hình chủ yếu là đồi núi bị chia cắt bởi nhiều sông suối, khí hậu khắc nghiệt ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng các xã miền núi chưa được đầu tư đồng bộ, phương thức sản xuất còn lạc hậu, việc phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn, do đó đời sống đồng bào khu vực biên giới còn nhiều thiếu thốn.

Những năm qua, chương trình đỡ đầu bản biên giới do Biên phòng tổ chức đã góp phần hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đưa đời sống người dân từng bước thay đổi.

Với phương châm “ba bám, bốn cùng” những người lính biên phòng đã và đang thầm lặng cống hiến sức mình hỗ trợ người dân thay đổi phương thức sản xuất, từng bước tạo lập cuộc sống ngày càng tươi đẹp hơn. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc, giữ vững an ninh trật tự thôn bản ở khu vực biên giới. Hạn chế tình trạng nhập biên truyền đạo trái phép, xâm canh, xâm cư, buôn lậu, buôn bán hàng qua biên giới, kết hôn xuyên biên giới trái phép, khai thác lâm sản, thổ sản… nâng cao ý thức của người dân trong xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Những ngày cuối năm Nhâm Thìn, đến với thôn Na Lốc, Cốc Phương, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương hay Lũng Pô I, Lũng Pô II, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, điều dễ cảm nhận là không khí mùa xuân trên bản làng tràn ngập khắp nơi. Dưới mái ấm của những ngôi nhà mới được dựng sau những năm định cư phát triển trồng dứa và chuối thay ngô, lúa... nhà nhà đã có ti vi, điện sáng, nước sinh hoạt cùng đầy đủ phương tiện đi lại… chứng minh cho sự đổi thay của bản làng.

Trung tá Phạm Thanh Sơn, Đồn trưởng Biên Phòng A Mú Sung, huyện Bát Xát, Thiếu tá Cù Xuân Thảo, Phó Chính trị Đồn biên phòng Bản Lầu cho hay, trước đây Na Lốc, Cốc Phương chỉ là vùng giáp ranh hoang vu lau lách.

Từ năm 1999 đến nay, thực hiện chủ trương của Đảng sắp xếp dân cư nơi biên giới, Mường Khương đã di dời trên 40 hộ đồng bào Mông từ các xã vùng cao về đây định cư, khai phá đất đai làm giàu. Được đồn biên phòng Bản Lầu nhận đỡ đầu hướng dẫn người dân thay đổi cách sống, phương thức làm ăn, 2 bản người Mông đã thay đổi từng ngày.

Ở các mô hình điểm, các chiến sỹ biên phòng đến từng hộ gia đình, vận động bà con bỏ tập tục lạc hậu, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ; lựa chọn những loại cây, con phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của vùng như: dứa, chuối, chè và cây cao su… dựa trên kết quả đạt được để áp dụng và nhân rộng những mô hình hay.

Từ đó, ở địa phương xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tổng hợp cho thu nhập cao, tạo việc làm cho bà con dân bản ở địa phương. Từ một bản có hơn 99% dân số thuộc diện hộ nghèo, nhờ sự giúp đỡ của bộ đội biên phòng và các tổ chức đoàn thể của huyện và các sở, ngành của tỉnh người dân các xã biên giới đã vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc, tin tuởng vào chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, chung tay bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị.

Anh Thào Dìn, thôn Na Lốc, một điển hình trong sản xuất kinh tế cho biết: Từ khi nhận được sự hướng dẫn chỉ bảo tận tình của cán bộ Đồn biên phòng về xây dựng mô hình kinh tế, gia đình anh đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu thay đổi cuộc sống của gia đình.

Các chiến sỹ biên phòng đã tận tình hướng dẫn gia đình và đồng bào từ khâu chọn giống, phương pháp chăm sóc nuôi trồng, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Nhờ vậy, đến nay đời sống kinh tế gia đình anh cũng như nhiều bà con nơi đây ngày càng thay đổi có của ăn của để…

Anh không chỉ xây được nhà ở khang trang với tiện nghi đắt tiền mà còn sắm được ô tô con đi du lịch, xe tải loại vừa để chở hàng đi bán. Tết này mình sẽ cho vợ con ra thành phố xem bắn pháo hoa đêm giao thừa bằng xe ô tô này ". Chỉ vào chiếc xe ô tô 7 chỗ ngồi mới tinh, anh Thào din khoe với mọi người như vậy.

Người dân đã "sáng mắt, sáng lòng"

Ông Phu Lò Dé ôm đứa cháu trai lên ba trong lòng, mặt rạng ngời khoe với đoàn công tác: Nếu không có Bộ đôi biên phòng thì cháu không được như ngày hôm nay; cháu bị tiêu chảy cấp, mất nước; cầu cúng con ma rừng mãi không thấy khỏi. Nhân có đoàn tuần tra Bộ đội biên phòng đi qua, mẹ cháu mạnh dạn thưa chuyện nên được "bác sỹ quân hàm xanh" cho thuốc cứu sống cháu đấy, ông Dé xúc động kể.

Bên cạnh việc giúp đỡ phát triển kinh tế, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng được các Đồn Biên phòng dọc tuyến biên giới chú trọng. Do trình độ dân trí người dân còn hạn chế, bộ đội biên phòng đến từng gia đình khám chữa bệnh, hướng dẫn cách chăm sóc bảo vệ sức khỏe, bỏ các tập tục lạc hậu mỗi khi ốm đau. Đồng thời, động viên người dân quan tâm đến tương lai thế hệ trẻ, cho con em tới trường học. Nhiều đồn có điều kiện đã phối hợp với địa phương xây dựng bể và hệ thống nước sạch về từng hộ gia đình. Hệ thống điện sinh hoạt cũng được lắp đặt đầy đủ đảm bảo cuộc sống cho người dân ở đây.

Trong công tác bám nắm địa bàn, các Đồn đã coi trọng học tiếng, phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc tuyên truyền đường lối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Qua đó, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn biên giới, an ninh trật tự thôn, bản; giúp người dân hiểu và bài trừ những hủ tục, tập tục lạc hậu xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa bảo tồn và phát huy những truyền thống văn hoá riêng biệt của dân tộc mình.

Từ những việc làm thiết thực, đời sống kinh tế, văn hoá tinh thần dân bản ngày càng nâng cao, người dân hiểu được tầm quan trọng của việc phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới, ngăn chặn tình trạng xâm canh, xâm cư.

Đến nay, các khu tái định cư Na Lốc, Cốc Phương và Lũng Pô I, Lũng Pô II nói riêng và các thôn bản trên dọc tuyến biên giới từ Bát Xát Mường Khương đến Si Ma Cai đã dần thay đổi diện mạo về kinh tế-xã hội, an ninh - quốc phòng được giữ vững.

Đại tá Lương Sơn, Chính trị Bộ chỉ huy Biên phòng Lào Cai cho biết thực hiện kế hoạch của Bộ tư lệnh Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh về xây dựng đơn vị toàn diện gắn với xây dựng địa bàn vững mạnh, Bộ chỉ huy luôn xác định muốn thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vững chắc phải đòi hỏi sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, trong đó đặc biệt là quần chúng nhân dân, nên bộ chỉ huy luôn chỉ đạo các đồn phải bám dân, bám bản thông qua việc triển khai hỗ trợ đỡ đầu trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, thay đổi nhận thức của người dân tuyên truyền người dân hiểu được tầm quan trọng trong việc phát triển kinh tế gắn liền với việc bảo vệ an ninh biên giới quốc gia.

Đến nay, qua quá trình thực hiện, trên dọc tuyến biên giới đã mọc lên những mô hình điểm như Lũng Pô I, Lũng Pô II (Bát Xát) và Na Lốc, Cốc Phương (huyện Mường Khương) là những mô hình điểm với những bước phát triển vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực.

Cùng vui Xuân với đồng bào biên giới

Trung tá Phạm Thanh Sơn, Đồn trưởng Biên Phòng A Mú Sung cho biết, bình thường từ ngày 20 đến 25 tháng Chạp là đơn vị thông báo danh sách được nghỉ Tết, nhưng năm nay anh em cán bộ chiến sỹ không ai quan tâm lắm đến chuyện được nghỉ hay không.

Chiến sỹ trẻ Nguyễn Thanh Sơn, quê tận vùng đồng bằng xúc động cho biết, Tết năm nay đoàn thanh niên Đồn có chương trình giao lưu văn nghệ thể thao với thanh niên trong xã nên anh em ai cũng bận rộn với chương trình, hết phiên trực tuần tra là lao vào luyện tập ngay.

Đến bản người H’Mông những ngày áp Tết, nhà nào cũng có “cỗ” thiết khách. Cỗ ở đây không có gì nhiều, toàn “cây nhà lá vườn” do dân bản tự cung, tự cấp. Có gì, tiếp khách nấy, bà con chân chất, tự nhiên như chính núi rừng nơi đây.

Bà Thào Thị Máy, ở thôn Lũng Pô I cho biết, người Mông trước ăn Tết sớm, nhưng mấy năm gần đây đã vui chung cái tết cùng cả nước. Tuy nhiên trong tháng Chạp, bà con vẫn giữ phong tục tụ họp làm bánh dày, mổ lợn, gà rồi tổ chức những trò chơi dân gian... Cứ ngỡ những khó khăn chất chồng sẽ quật ngã những con người can trường nhất nơi đây, vậy mà không phải thế. Chính những con người đó đã thổi bừng lên ngọn lửa “sống” giữa bạt ngàn núi rừng chỉ toàn cây cỏ và núi đá này.

Đại tá Lương Sơn, Chính trị viên Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng Lào Cai cho biết, với tinh thần nhường cơm sẻ áo, trong dịp Tết Quý Tỵ 2013 các Đồn biên phòng đã vận động cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị ủng hộ hàng trăm suất quà Tết trị giá mỗi xuất quà từ 300- 400 nghìn đồng để tặng cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo trên địa bàn.

Việc làm này đã góp phần cùng với Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai làm tốt chính sách an sinh xã hội để người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở nơi biên giới vùng sâu, vùng xa được đón Tết trong không khí vui tươi, ấm áp nghĩa tình./.

Lục Văn Toán (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục