Bộ Giao thông lên tiếng về xử lý bất cập tại các trạm thu phí BOT

Bộ Giao thông Vận tải sẽ khẩn trương cập nhật lưu lượng thực tế, tính toán lại phương án tài chính, giảm giá để giải quyết các bất cập tại các trạm thu phí của dự án BOT.
Bộ Giao thông lên tiếng về xử lý bất cập tại các trạm thu phí BOT ảnh 1Bộ Giao thông Vận tải đã xử lý bất cập về giá thông qua việc giảm mức phí và thời gian thu hàng loạt dự án BOT. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ Giao thông Vận tải sẽ khẩn trương cập nhật lưu lượng thực tế, giá trị quyết toán công trình để tính toán lại phương án tài chính, giảm giá dịch vụ nhằm giải quyết các bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án BOT.

Giảm phí và thời gian thu hàng loạt dự án BOT

Theo thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải, đại diện Bộ cùng các nhà đầu tư dự án BOT đã nghiêm túc rà soát, đàm phán để điều chỉnh giá được 35 dự án; 27 dự án có mức vé thấp hơn mức bình quân; 11 dự án chưa giảm do lưu lượng xe thấp hơn so với phương án tài chính.

Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải đã thỏa thuận quyết toán 51 dự án BOT, đã đàm phán điều chỉnh thời gian thu phí của 23 dự án và đang tính toán điều chỉnh phương án tài chính của 28 dự án theo hướng ưu tiên giảm mức phí so với dự kiến trước đây.

[Người dân sẽ giám sát được thời gian và tiền thu phí của các trạm BOT]

Đến ngày 31/7 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã xử lý bất cập về giá của 4 dự án với 5 trạm thu giá gồm dự án xây dựng đường Hòa Lạc-Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai-Hòa Bình; dự án Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Quốc lộ 2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà; dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Hà Tĩnh, trạm Cầu Rác; dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Nam Bến Thuỷ đến tuyến tránh Hà Tĩnh.

Ngoài ra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với địa phương, nhà đầu tư/doanh nghiệp dự án xây dựng phương án giảm giá, đề xuất Bộ Giao thông vận tải chấp thuận đối với 5 dự án với 4 trạm thu giá.

Cụ thể, dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1063+877-Km1092+577, tỉnh Quảng Ngãi; dự án xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Đồng Hới; dự án Quốc lộ 1 đoạn Km672+600-Km704+900, tỉnh Quảng Bình; dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km597+549-Km605+000 và đoạn Km617+000-Km641+000, tỉnh Quảng Bình; dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 đoạn Km14+000 đến Km50+889 theo hình thức BOT.

Để tiếp tục xử lý các bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu nghiên cứu điều chỉnh Thông tư 35/2016/TT-BGTVT để phù hợp với thực tế các dự án BOT đang triển khai.

Các Vụ, Cục chức năng thuộc Bộ nghiên cứu đề xuất của Tổng cục Đường bộ để tham gia ý kiến, xây dựng phương án giải quyết các bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án BOT, báo cáo Bộ xem xét, quyết định.

[Giám sát từng đồng phí qua trạm BOT, nhà đầu tư hết “ăn gian”]

Bộ Giao thông Vận tải cũng giao các Ban quản lý dự án chỉ đạo nhà đầu tư quyết toán công trình để tính toán lại phương án tài chính, giảm giá dịch vụ trên cơ sở đảm bảo khả thi về phương án tài chính của các dự án; giá phí trên cùng tuyến đường phải có mức tương đồng; ưu tiên giảm mức tăng phí đối với những dự án có mức tăng phí cao cho phù hợp với chỉ số CPI và mức lạm phát trong thời điểm hiện nay.

Tạm dừng thu phí trạm BOT Tào Xuyên

Đối với Dự án xây dựng Quốc lộ 1A đoạn tránh thành phố Thanh Hóa theo hình thức hợp đồng BOT, Bộ Giao thông Vận tải vừa có yêu cầu Tổng cục Đường bộ tạm dừng thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm Tào Xuyên từ 0 giờ 00 phút ngày 10/8 tới đây.

Lý giải về việc này, theo Bộ Giao thông Vận tải, dự án có tổng mức đầu tư 822 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn 27 năm 8 tháng, thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm. Tuy nhiên, trong thời gian thu giá, quyết toán chi phí đầu tư thì một số chỉ tiêu tính phương án tài chính thay đổi.

[Chậm thu phí tự động: Nhà đầu tư BOT e ngại về tính minh bạch]

Cụ thể, tổng vốn đầu tư của dự án giảm 36 tỷ đồng (từ 822 tỷ đồng xuống 786 tỷ đồng), trong đó vốn nhà đầu tư là 156 tỷ đồng, vốn vay 489 tỷ đồng, vốn ngân sách Nhà nước 141 tỷ đồng.

Bộ Giao thông lên tiếng về xử lý bất cập tại các trạm thu phí BOT ảnh 2Bộ Giao thông Vận tải sẽ tính toán lại phương án tài chính để giải quyết các bất cập tại các trạm thu BOT. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)

Đặc biệt, qua theo dõi của Bộ Giao thông Vận tải, lưu lượng phương tiện thực tế qua trạm thu giá tăng cao hơn so với dự kiến tại hợp đồng dự án vì lý do di dời vị trí Trạm thu phí từ Tào Xuyên đến Dốc Xây là khu vực có lưu lượng xe cao hơn so với vị trí cũ...

“Những chỉ tiêu đầu vào để tính phương án tài chính thay đổi dẫn đến thời gian thu hoàn vốn của dự án từ 27 năm 8 tháng giảm xuống còn 7 năm 2 tháng, thời điểm thu tạo lợi nhuận của nhà đầu tư sớm hơn dự kiến 20 năm. Việc giữ nguyên thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 3 năm như hợp đồng ban đầu là chưa hợp lý,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho hay.

Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ đàm phán với nhà đầu tư điều chỉnh mức lợi nhuận. Tính đến ngày 31/7 vừa qua, nhà đầu tư đã thu tạo lợi nhuận được hơn 1 năm. Số thu tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư đến hết 31/7 đã lớn hơn số cao nhất so với các phương án đàm phán mức lợi nhuận của nhà đầu tư Tổng cục đã đưa ra.

“Vì những lý do trên, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ tạm dừng thu giá sử dụng dịch vụ đường bộ tại Trạm Tào Xuyên từ 0 giờ 00 phút ngày 10/8 tới đây để tiếp tục đàm phán và xử lý theo quy định,” lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải tiết lộ./.

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 trong đó có nội dung “Rà soát, điều chỉnh mức phí đường bộ, phí BOT; đánh giá mức điều chỉnh hợp lý để giúp doanh nghiệp giảm chi phí, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải”.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục