Bộ Nông nghệp tìm giải pháp “cứu” các hộ chăn nuôi lợn ở Đồng Nai

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 27/4 đã làm việc với các sở, ban, ngành của tỉnh Đồng Nai về những khó khăn, vướng mắc của ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh.
Bộ Nông nghệp tìm giải pháp “cứu” các hộ chăn nuôi lợn ở Đồng Nai ảnh 1Trại lợn của ông Trần Bình Mạnh (ấp Bắc Sơn, xã Quang Trung) đã dừng nuôi vì không có vốn để duy trì đàn. (Ảnh: Lê Xuân/TTXVN)

Ngày 27/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã làm việc với các sở, ban, ngành của tỉnh Đồng Nai về những khó khăn, vướng mắc của ngành chăn nuôi lợn trên địa bàn nhằm tìm ra những giải pháp “giải cứu” các hộ chăn nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, từ tháng 11/2016 đến nay, Trung Quốc đã quản lý chặt chẽ việc nhập khẩu lợn của Việt Nam qua đường tiểu ngạch khiến số lượng lợn trong nước tồn nhiều, gây hiện tượng cung vượt cầu, giá lợn hơi giảm xuống thấp, đặc biệt là số lượng lợn có trọng lượng trên 100kg. Điều này đã tạo ra cơn khủng hoảng giá lợn lớn nhất trong vòng 10 năm qua khiến người chăn nuôi điêu đứng, nhiều hộ bị thua lỗ nặng, đổ nợ, phải bán đất, bán trại, cầm cố ngân hàng để trả nợ.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, Đồng Nai là tỉnh có nền công nghiệp phát triển mạnh, với gần 700.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp nên đây là thị trường tiêu thụ thịt lợn rất lớn. Trước mắt, để giải cứu số lượng lợn tồn lại cho người chăn nuôi nên mở các cửa hàng chuyên bán thịt lợn tại các khu công nghiệp phục vụ nhu cầu cho công nhân.

Như vậy sẽ giảm được chi phí lớn từ khâu trung gian, có thể nâng giá mua lợn hơi cho người chăn nuôi và giảm giá thịt lợn thương phẩm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông phổ biến rộng rãi trong nhân dân để người tiêu dùng được biết và có sự lựa chọn hợp lý thay vì vẫn phải mua thịt lợn với giá cao trên thị trường.

Ông Nguyễn Trí Công cho rằng, người chăn nuôi không nên để lợn có trọng lượng lớn nữa vì rất khó bán, nên kiểm soát lợn có trọng lượng ở mức 80 - 90 kg/con. Bên cạnh đó, khi cung cấp thịt lợn cho thị trường chỉ nên cung cấp lượng vừa đủ không nên quá nhiều để chống phá giá.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai Lê Văn Lộc cho biết, trước thực trạng trên, Sở đã chủ động làm việc với các siêu thị trên địa bàn về giá thịt lợn bán ra thị trường. Từ đó, các siêu thị đã cam kết sẽ giảm ít nhất 5% giá thịt lợn bán trong siêu thị nhằm khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ thịt lợn nhiều hơn, trước mắt giải quyết bài toán nguồn cung vượt cầu.

Đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam cho rang, về lâu dài để giảm áp lực sản lượng thịt lợn trên thị trường nên tăng cường khuyến khích người tiêu dùng tiêu thụ lợn sữa (loại 7 kg/con). Nếu lợn sữa được tiêu thụ mạnh trong thời điểm hiện tại đồng nghĩa với việc tổng đàn lợn sẽ giảm mạnh. Như vậy sau 5 tháng sản lượng thịt lợn cung cấp sẽ giảm, giảm áp lực trên thị trường.

[“Giải cứu” ngành chăn nuôi lợn: Đâu là giải pháp căn cơ?]

Cùng quan điểm về tiêu thụ lợn sữa, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên chăn nuôi Bình Minh đưa ra giải pháp, nên cấp đông số lượng lợn sữa để sử dụng sau này thay vì cấp đông lợn có trọng lượng lớn. Vì cấp đông lợn trọng lượng lớn sẽ tốn nhiều diện tích hơn khi cấp đông lợn sữa. Thay vì cấp đông 100 con lợn trọng lượng lớn thì có thể cấp đông khoảng 1.000 con lợn sữa, vừa có tác dụng giảm đàn mạnh lại không tốn nhiều diện tích.

Đóng góp những giải pháp lâu dài nhằm ổn định ngành chăn nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai kiến nghị Chính phủ đàm phán với Trung Quốc khơi thông thị trường xuất khẩu chính ngạch cho lợn nhằm giảm thiểu nguy cơ rủi ro khi xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, mở rộng đàm phán, tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các nước khác.

Trung ương nên có chính sách hỗ trợ để xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để giảm khâu trung gian và rủi ro như hiện nay. Bên cạnh đó, kiến nghị các ngân hàng có chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi vay, khoanh nợ, giãn nợ và tiếp tục cho vay trong tình hình chăn nuôi khó khăn hiện nay…

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám tiếp thu và đánh giá cao những ý kiến đóng góp, những giải pháp cứu trợ trước mắt và lâu dài cho ngành chăn nuôi của đại diện các sở, ban, ngành, đặc biệt là các giải pháp của các doanh nghiệp chăn nuôi trong tỉnh.

Thứ trưởng đánh giá cao việc làm của các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi đã giảm giá, ủng hộ người chăn nuôi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cấp đông sản phẩm ngành chăn nuôi đã tăng lượng giết mổ và thu mua, những doanh nghiệp kết nối với các chuỗi bán lẻ giảm giá bán, lấy lại sự công bằng cho người tiêu dùng.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh, trong thời điểm hiện tại, Đồng Nai phải tăng cường tiêu thụ thịt lợn theo nhiều cách, tìm ra những nhóm tiêu thụ thịt lợn lớn để có những giải pháp giải cứu cụ thể; hình thành những chợ, cửa hàng bán thịt lợn trực tiếp cho người tiêu dùng không qua khâu trung gian nhằm giảm chi phí.

Đối với các doanh nghiệp lớn tiêu thụ thịt lợn nên cố gắng nâng giá hoặc giữ giá, hạn chế giảm giá thu mua lợn hơi tránh gây hoang mang trong dư luận và những động thái của các doang nghiệp có tác động rất lớn đến thị trường.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục làm việc, lấy ý kiến của nhiều đơn vị có liên quan để từ đó tổng hợp và tìm ra các giải pháp hiệu quả nhất nhằm cứu ngành chăn nuôi khỏi những khó khăn trong thời điểm hiện nay.

Sáng cùng ngày, đoàn khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Vũ Văn Tám làm trưởng đoàn đã có chuyến đi thực tế để nắm tình hình, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và đề xuất giải pháp từ người chăn nuôi lợn trên đại bàn tỉnh Đồng Nai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục