Bổ sung gần 7 triệu USD cho công tác phòng chống HIV/AIDS

Quỹ Toàn cầu vừa thông báo bổ sung thêm gần 7 triệu USD để triển khai dự án phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2017 tại 15 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Bổ sung gần 7 triệu USD cho công tác phòng chống HIV/AIDS ảnh 1Tư vấn cho người nhiễm HIV tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS Hưng Yên. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã được Quỹ toàn cầu, Ban điều phối Quốc gia Việt Nam, Bộ Y tế và các bên liên quan thống nhất đề xuất trở thành đơn vị tiêp nhận viện trợ chính của Quỹ toàn cầu với tổng vốn dự kiến là 6,94 triệu USD bao gồm vốn ODA và vốn đối ứng bằng hiện vật của Chính phủ Việt Nam.

Nguồn kinh phí trên được sử dụng để triển khai dự án phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015-2017 tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Thông tin trên được giáo sư Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đưa ra tại hội thảo khởi động dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS” diễn ra ngày 20/11 tại Hà Nội.

Theo ông Minh, giai đoạn 2015-2017, địa bàn triển khai hoạt động của dự án sẽ được thực hiện tại 15 tỉnh, thành phố gồm Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thái Bình, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa.

Dự án sẽ thực hiện 3 mục tiêu: Cung cấp các dịch vụ dự phòng HIV cho các nhóm chính. Dự kiến đến năm 2017, có hơn 26.000 người quan hệ đồng tính nam, gần 45.000 người nghiện, chích ma túy và hơn 10.000 phụ nữ mại dâm được dự án tiếp cận và chăm sóc.

Mục tiêu thứ hai là củng cố hệ thống cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia một cách hiệu quả và bền vững các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Mục tiêu thứ ba là tạo môi trường thuận lợi về mặt pháp lý cho các nhóm chính tiếp cận các nhóm dịch vụ y tê và sự tham gia của các tổ chức xã hội…

Phát biểu tại hội thảo, tiến sỹ Kristan Schoultz – Giám đốc Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam đánh giá, mặc dù Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn nhằm mở rộng độ bao phủ của chương trình điều trị Methadone, nhưng mục tiêu đến năm 2015 điều trị Methadone cho 80.000 người tiêm chích ma túy vẫn chưa thực hiện được.

Nữ tiến sỹ cho biết, vẫn còn rất nhiều người tiêm chích ma túy trong cộng đồng đang cần đến bơm kim tiêm sạch để dự phòng lây nhiễm HIV, bởi họ chưa tiếp cận được chương trình điều trị methadone.

”Trong một chuyến công tác hồi đầu năm nay lên Điện Biên, tôi có xem một hộp đựng bơm kim tiêm đặt trong cộng đồng và tôi thấy cái hộp đó rỗng không. Chúng ta không thể tình trạng đó xảy ra được. Dự án mới của VUSTA có thể nỗ lực để góp phần đảm bảo rằng những người có nguy cơ cao có thể dễ dàng tiếp cận các vật phẩm dự phòng lây nhiễm HIV mà họ cần,” bà Kristan Schoultz phân tích.

Bà Kristan Schoultz cho rằng, dự án mới này rất phù hợp và có thế mạnh trong việc huy động các nhóm chính chịu ảnh hưởng bởi HIV và toàn xã hội cùng giảm kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV.

Dự án “Tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và tổ chức cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS với mục tiêu tổng quát là tăng cường sự tham gia của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng trong việc thực hiện Luật phòng chống HIV/AIDS và Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Việc khởi động dự án là cơ hội để các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng tham gia chủ động, tích cực và hiệu quả vào ứng phó quốc gia đối với đại dịch HIV/AIDS, góp phần thực hiện các mục tiêu quốc gia và các cam kết quốc tế của Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục