Bố trí nhân viên cảnh giới, chốt gác tại đường ngang mất an toàn

Ngành đường sắt tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các đường ngang trong đó bố trí nhân viên cảnh giới, chốt gác trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 tới.
Bố trí nhân viên cảnh giới, chốt gác tại đường ngang mất an toàn ảnh 1Ngành đường sắt phải bố trí nhân viên cảnh giới, chốt gác tại đường ngang mất an toàn . (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Liên quan đến các vụ tai nạn tại các đường sắt giao cắt với đường bộ (đường ngang), Cục Đường sắt Việt Nam vừa có đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chỉ đạo các Công ty cổ phần đường sắt tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn giao thông tại các đường ngang, trong đó bố trí nhân viên cảnh giới, chốt gác.

Để bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người và phương tiện qua lại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt, đặc biệt là các đường ngang phòng vệ bằng biển báo, cảnh báo tự động, lối đi dân sinh qua đường sắt trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ngành đường sắt phải tổ chức rà soát, kiểm tra lại các đường ngang và sửa chữa, khắc phục ngay các hư hỏng, tồn tại về điều kiện kỹ thuật an toàn tại đường ngang.

[Các đường ngang "tử thần" chiếm 80% các vụ tai nạn đường sắt]

Đối với các đường ngang phòng vệ bằng biển báo, cảnh báo tự động có tầm nhìn hạn chế, mật độ người và phương tiện qua lại nhiều ... Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bố trí nhân viên cảnh giới, chốt gác.

Đối với các lối đi dân sinh qua đường sắt tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, Tổng công ty chủ động và phối hợp với chính quyền địa phương trong việc bố trí người cảnh giới, chốt gác.

Trước đó, vào lúc 13 giờ 46 phút ngày 24/4 vừa qua tại đường ngang cảnh báo tự động Km1102+200 tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra vụ tai nạn giao thông đường sắt rất nghiêm trọng giữa tàu hỏa và ôtô làm 2 người chết và 4 người bị thương.

[Bình Định: Tàu hỏa húc văng ôtô Innova, 6 người thương vong]

Trao đổi với VietnamPlus, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hệ thống đường sắt hiện có 5.726 đường ngang giao cắt đồng mức trong đó 1.515 đường giao cắt hợp pháp do Tổng công ty Đường sắt quản lý thì có 507 đường giao cắt đang sử dụng đèn tín hiệu đèn cảnh báo và chưa có cần chắn tự động.

“Hiện cả nước còn 4.211 đường ngang dân sinh trái phép, luôn thường trực và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông mỗi khi chạy tàu. Tổng công ty đã có báo cáo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ đạo rà soát các điểm đen bố trí người canh gác, cảnh giới, thu gom làm đường gom, gờ giảm tốc, tăng cường biển cảnh báo để giảm tai nạn giao thông,” ông Minh cho hay.

Theo con số thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trung bình cứ 1km đường sắt có 1,85 đường ngang giao cắt (đường sắt tổng chiều dài hơn 3.100km có tới 5.726 đường ngang) và 80% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt đường bộ và đường sắt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục