Bộ trưởng Cao Đức Phát: Truy đến cùng nguồn gốc chất cấm nông nghiệp

Gần đây tại một số địa phương nổi lên hiện tượng buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; kháng sinh, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm.
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Truy đến cùng nguồn gốc chất cấm nông nghiệp ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Gần đây tại một số địa phương nổi lên hiện tượng buôn bán, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả; kháng sinh, chất bảo quản trong thịt gia súc, gia cầm, thủy sản nuôi còn ở mức cao gây lo lắng, bất an cho người tiêu dùng.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát về những giải pháp của ngành nông nghiệp để xử lý hiện tượng này.

- Tại Hội nghị trực tuyến triển khai đợt cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp mới đây, Bộ trưởng cho rằng, trong thời gian tới cần phải xử lý được các vấn đề nổi cộm đang gây bức xúc trong nhân dân, nhất là vấn đề chất cấm, kháng sinh và bảo vệ thực vật. Xin Bộ trưởng cho biết, những vấn để nổi cộm đó đang gây ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp như thế nào và Bộ có giải pháp gì để xử lý vấn đề này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Ảnh hưởng lớn nhất hiện này là niềm tin của người tiêu dùng khi sử dụng thực phẩm. Có thể mức ô nhiễm, mức mất an toàn thực phẩm đó chưa phải là cao như mọi người cảm nhận. Số liệu giám sát an toàn thực phẩm nông thủy sản trên diện rộng cho thấy tỷ lệ mẫu giám sát trong thịt bị ô nhiễm chưa đến 1%, trong rau từ 6-10% tùy loại… nhưng cảm nhận của người dân là mất an toàn nhiều và không yên tâm.

Chính vì thế, chúng tôi phải có trách nhiệm giải tỏa sự lo ngại, không yên tâm đó của người dân, hơn nữa củng cố niềm tin của nhân dân vào nông sản trong nước. Bên cạnh đó, việc tăng cường đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng là một điều kiện tiên quyết để thúc đẩy xuất khẩu, đem lại giá trị và thu nhập cao hơn cho nông dân.

- Người dân cho rằng, các đoàn khi thanh kiểm tra phát hiện các công ty sử dụng chất cấm trong sản xuất thức ăn chăn nuôi rồi chỉ xử phạt hành chính sẽ không đủ sức răn đe tới các đối tượng kinh doanh phi pháp. Để giải quyết căn bản tình trạng buôn bán, sử dụng chất cấm, theo Bộ trưởng cần có những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Trên thực tế, Bộ đang chỉ đạo theo 2 hướng. Việc kiểm tra chất cấm tại các trại chăn nuôi, kiểm tra dư lượng chất cấm ở trong thức ăn được chế biến sẵn là một hướng để nắm tình hình và chấn chỉnh.

Nhưng việc chấn chỉnh này chỉ là phần ngọn. Hướng mà chúng tôi đang chỉ đạo quyết liệt là phải điều tra, phát hiện những đường dây buôn bán; truy đến cùng nguồn gốc cung cấp ra thị trường những chất cấm này để xử lý nghiêm theo quy định của luật pháp.

Hiện nay, hình thức xử phạt là theo quy định hành chính và đúng là chưa đủ sức răn đe. Thực hiện chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ sẽ rà soát các quy định phát luật để báo cáo Chính phủ có sự điều chỉnh. Mặt khác, đề nghị cơ quan chức năng sẽ xem xét những hành vi cố ý vi phạm nghiêm trọng để xử lý theo luật hình sự.

- Hiện người chăn nuôi đang tích cực tăng đàn, đẩy mạnh sản xuất để chuẩn bị thực phẩm cho Tết Nguyên đán 2016. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chuẩn bị điều kiện gì để tăng nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, đồng thời giúp người dân an tâm sử dụng thực phẩm an toàn trong dịp Tết sắp tới?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Để đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm của nhân dân trong dịp Tết sắp tới, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị rà soát lại tình hình sản xuất, thực hiện những giải pháp để đảm bảo cung cấp con giống, thức ăn với giá cả thuận lợi; tiếp duy trì thị trường giá cả thuận lợi để khuyến khích nhân dân gia tăng sản xuất.

Mặt khác, Bộ đang chỉ đạo tiếp tục bám sát thực tiễn để xử lý nhanh chóng có hiệu quả các ổ dịch bệnh. Không để các ổ dịch bệnh lây lan, giúp nhân dân sản xuất có hiệu quả. Đồng thời đấu tranh quyết liệt các hành vi vi phạm làm mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và giữ vững thị trường có lợi cho người sản xuất.

- Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do và nông nghiệp là ngành sẽ chịu tác động nhiều nhất từ hội nhập mang lại, đặc biệt là với Hiệp định TPP sắp được ký kết. Về lâu dài, Bộ chuẩn bị các điều kiện gì để ngành nông nghiệp, nhất là lĩnh vực chăn nuôi có thể hội nhập sâu với thị trường thế giới?


Bộ trưởng Cao Đức Phát:
Nông nghiệp Việt Nam là nền nông nghiệp của các hộ nông dân sản xuất nhỏ. Vì vậy, rất dễ bị tổn thương trước những biến động của thị trường và trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện những gì ngành đang làm đều hướng tới nâng cao khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp Việt Nam. Tận dụng, phát huy những cơ hội mà hội nhập kinh tế quốc tế đem lại, đồng thời đối phó với các thách thức để cạnh tranh.

Hướng chủ đạo của ngành là phát huy cao hơn những lợi thế của nước ta để cạnh tranh có hiệu quả. Đồng thời tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật làm cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam có hiệu quả cao hơn, bền vững hơn.

Chính vì thế, Bộ đã cử các đoàn công tác làm việc với những nước có nền chăn nuôi tiên tiến như: chăn nuôi lợn ở Đan Mạch; chăn nuôi gia cầm ở Mỹ, Thái Lan; chăn nuôi gia súc ở Mỹ, Australia để tìm hiểu, tiếp thu các giống mới, công nghệ mới.

Ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đi theo hai hướng. Một mặt khuyến khích doanh nghiệp phát triển chăn nuôi công nghiệp, áp dụng những thành tựu, tiến bộ nhất của ngành chăn nuôi thế giới. Mặt khác là tiếp tục tiếp sức nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, bằng cách giúp cho các hộ gia đình tiếp cận, áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để chăn nuôi có hiệu quả hơn.


- Xin cảm ơn Bộ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục