Bộ trưởng Công Thương phê bình nhiều lãnh đạo vì buông lỏng quản lý

Trong cuộc họp về xử lý 12 dự án không hiệu quả, Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, có hiện tượng buông lỏng quản lý, thậm chí còn không nghiêm trong chấp hành chủ trương pháp luật.
Bộ trưởng Công Thương phê bình nhiều lãnh đạo vì buông lỏng quản lý ảnh 1Một trong những dự án Ethanol.

Trong cuộc họp về xử lý 12 dự án không hiệu quả, diễn ra chiều 22/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chỉ ra nhiều bất cập trong công tác quản lý của các đơn vị thuộc Bộ.

​Thậm chí có hiện tượng buông lỏng quản lý, người đứng đầu doanh nghiệp không nghiêm trong chấp hành chủ trương pháp luật và không thực hiện tốt công tác quản trị doanh nghiệp.


[Họp xử lý tồn tại, vướng mắc của 12 dự án ngành công thương]


Không đợi công tác bộ mà buông xuôi

Nói về trách nhiệm quản lý đối với 12 dự án không hiệu quả của ngành Công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị xem xét trách nhiệm của Người đứng đầu các dự án trên trong việc chấp hành chỉ đạo chung của Chính phủ.

Đơn cử Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem), Bộ trưởng yêu cầu lãnh đạo ​tập đoàn  phải kiểm tra công việc của Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc các Nhà máy trực thuộc như: Đạm Ninh Bình, DAP số 1, DAP số 2…

“Trong trường hợp tuân thủ không nghiêm, không chấp hành thì căn cứ theo thẩm quyền của Hội đồng thành viên để xem xét trách nhiệm các đồng chí đó, cần thiết có phương án thay thế và kiện toàn lại nguồn nhân lực và nhân sự các dự án,” Bộ trưởng nói.

Về phía Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Bộ trưởng cũng chỉ ra trách nhiệm của người đứng đầu PVN trong việc quản lý ​dự án PVTex dẫn đến những tồn tại và vi phạm không được khắc phục, cụ thể là thua lỗ thậm chí là ngưng trệ.

Bộ trưởng thẳng thắn yêu cầu Tổng Giám đốc PVN ông Nguyễn Vũ Trường Sơn: “​Cho dù có vất vả đến mấy đi nữa, vẫn phải tổ chức lại trong Hội đồng thành viên và các đầu mối của PVN hiện nay.”

“Chắc chắn Bộ sẽ xuống làm việc với tập đoàn để rà lại trách nhiệm của từng đồng chí trong Hội đồng thành viên cũng như Tổng Giám đốc để đảm bảo vai trò trách nhiệm của từng cán bộ trong việc đảm bảo đúng thẩm quyền tại các dự án,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu rõ.

​Để "xốc" lại những dự án thuộc Vinachem, Bộ trưởng đề nghị Tập đoàn phải tìm đúng người có năng lực trong công tác điều hành, quản trị doanh nghiệp.

“Bộ sẽ ​có trách nhiệm với các đồng chí để cùng tổ chức triển khai thực hiện. Tuy nhiên, không phải vì đợi công tác cán bộ mà buông xuôi,” Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu.

Bộ trưởng Công Thương phê bình nhiều lãnh đạo vì buông lỏng quản lý ảnh 2Bộ trưởng Trần Tuấn Anh họp xử lý các dự án không hiệu quả. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vẫn còn dự án chưa thể vận hành

Theo ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, đối với 4 dự án sản xuất phân bón của Tập đoàn hóa chất, trừ nhà máy Đạm Ninh Bình đang dừng sản xuất theo kế hoạch từ ngày 25/8 đến 10/10 thì 3 nhà máy còn lại vận hành với phụ tải trên 80%.

“Tính đến ngày 15/9, kết quả sản xuất kinh doanh của 4 đơn vị đã có những cải thiện đáng kể cả về doanh thu, sản lượng và thu hẹp được mức độ thua lỗ,” ông Hưng cho biết.

Trong khi đó, với dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi trực thuộc PVN đến nay vẫn chưa vận hành sản xuất lại. Một số cổ đông lo ngại có thể rủi ro mất vốn do sản xuất kinh doanh thua lỗ.

Ông Hưng cho biết, ngày 29/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã có buổi làm việc với đại diện PVN, BSR, PVOil, BSR-BF và một số đơn vị liên quan xem xét tình hình thực tế nhà máy này và có công văn chỉ đạo PVN khẩn trương xem xét, xây dựng phương án tái khởi động nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước.

“Đến nay đã có 4 nhà đầu tư đăng ký tham gia và 1 nhà đầu tư đã nộp hồ sơ đề xuất hợp tác kinh doanh. Có 2 đối tác mong muốn tham gia hợp tác vận hành lại nhà máy là Công ty Tùng Lâm và Công ty Tín Thành,” ông Hưng cho biết.

Trong khi đó, với dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ (PVTex), đang hết sức khó khăn và chưa khởi động lại. Theo chỉ đạo của PVN, các đơn vị thành viên là PVFCCo và PVCFC, BSR đã cử nhân sự đến hỗ trợ PVTex rà soát đánh giá thực trạng nhà máy thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam kiến nghị ​giữ nguyên chính sách nhập khẩu đối với nguyên liệu sơ xợi cũng như Ethanol như hiện nay.

Bên cạnh đó, lãnh đạo PVN cũng bày tỏ mong muốn từ phía Chính phủ trong việc tạo cơ sở pháp lý cũng như đảm bảo cho doanh nghiệp là cổ đông Nhà nước được phép góp vốn phục vụ việc chạy lại các dự án không hiệu quả hoặc thua lỗ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục