Bộ trưởng Giáo dục bị "xoay" hàng loạt "vấn đề nóng"

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bị "xoay" bởi hàng loạt vấn đề nóng như chất lượng đào tạo còn hạn chế, lương giáo viên không đủ sống...
Những thay đổi trong kỳ thi đại học năm 2012, vấn đề chất lượng giáo dục còn hạn chế, chính sách nào cho nhà giáo… là những vấn đề nóng được nhiều người quan tâm đặt câu hỏi nhất với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận trong buổi đối thoại trực tuyến của ông với Nhân dân sáng nay, ngày 7/3/2012. Cuộc đối thoại này do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Không có khối thi H1

Các thông tin liên quan đến kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng là vấn đề được nhiều người quan tâm nhất.

Các thí sinh khu vực Thành phố Hồ Chí Minh tỏ ra khá sốt sắng trước thông tin Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tổ chức khối thi H1, một khối hoàn toàn mới. Tuy nhiên, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định, năm nay, Bộ chỉ bổ sung khối A1. Các trường không được tự ý mở khối thi và do đó, sẽ không có khối H1.

Bạn Nguyễn Thị Hà, tỉnh Vĩnh Long đưa ra sáng kiến Bộ có thể gộp thi cao đẳng và đại học thành một đợt để đỡ tốn kém và thuận lợi cho thí sinh.

Hoan nghênh ý tưởng này, nhưng theo Bộ trưởng Luận, số lượng thí sinh tham gia các kỳ thi hàng năm rất lớn. Nếu tập trung lại một đợt thì không đủ điều kiện tổ chức như số phòng thi, lực lượng cán bộ coi thi, các phương tiện giao thông quá tải… Việc phục vụ kỳ thi sẽ rất căng thẳng. Do đó, không thể tổ chức thành 1 đợt thi mà phải tổ chức thành 2 để phù hợp khả năng của các cơ sở giáo dục.

Trước một số ý kiến thắc mắc về việc các điều chỉnh trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng 2012 của Bộ không đưa từ đầu năm học mà sát với kỳ thi mới công bố, khiến thí sinh bị động, Bộ trưởng Luận thừa nhận đây là một điều bất lợi, Bộ sẽ lưu ý. “Chúng tôi cũng chia sẻ về nguyện vọng của thí sinh và gia đình là muốn có thông tin sớm, tuy nhiên có những vấn đề liên quan tới kỹ thuật. Chúng tôi ghi nhận ý kiến này để xem xét có thể đẩy nhanh hơn nữa hay không,” ông Luận nói.

Bức xúc chất lượng giáo dục đại học

Bên cạnh vấn đề tuyển sinh, thực trạng giáo dục đại học hiện nay, nhất là giáo dục đại học ngoài công lập còn thấp, đầu vào kém cũng là vấn đề mà nhiều câu hỏi đề cập đến. Bộ trưởng Luận thừa nhận đây là một điều đang gây bức xúc cho xã hội và khẳng định Bộ đang đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo.

Cụ thể, trong năm 2011, Bộ đã kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thành lập trường của các trường được thành lập trong 10 năm qua, trong đó có các trường ngoài công lập. Trên cơ sở đó, Bộ đã có những cảnh báo, nhắc nhở, yêu cầu bổ sung với các trường chưa đủ điều kiện, quyết định dừng tuyển sinh với 4 trường vi phạm nghiêm trọng.

Việc thanh kiểm tra vẫn tiếp tục được triển khai trong năm 2012 và hiện các đoàn thanh tra đang tiến hành thanh kiểm tra các trường được thành lập 10 năm qua. Trước mắt, đợt này bộ sẽ tiến hành thanh kiểm tra 80 trường. Tinh thần và cách làm cũng sẽ như đợt năm 2011.

Quan điểm của Bộ là lấy chất lượng làm mục tiêu, nâng cao chất lượng là nhiệm vụ hàng đầu. Bộ đang triển khai các biện pháp quản lý nhà nước đồng bộ, chấn chỉnh những lệch lạc, sai sót, lỏng lẻo, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo của các nhà trường, trong đó có các trường ngoài công lập.

Tuy nhiên, ông Trần Thái Bình, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam bày tỏ lo ngại: “Hiện nay số trường đại học được thành lập nhiều trong khi Bộ chưa đủ nhân lực để kiểm định chất lượng.”

Về vấn đề này, ông Luận cho biết, hiện Bộ đã cử các cán bộ, chuyên gia đi học về kiểm định ở các nước tiên tiến. Bộ cũng đã và đang hoàn thiện các văn bản liên quan, yêu cầu các trường tự đánh giá, tự chịu trách nhiệm. Đây là công việc quan trọng để đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực, để các trường hoạt động tốt.

Lương thấp, làm sao giáo viên tâm huyết với nghề?


Chị Nguyễn Hải Hà, giáo viên mầm non, gửi đến câu hỏi đầy bức xúc: “Thưa Bộ trưởng, giáo viên mầm non như chúng tôi hiện nay đang rất khó khăn, Bộ có chính sách ưu đãi gì không? Trợ cấp như thế nào? Giáo viên mầm non cần được biên chế hết trong năm nay có được không?”

Bộ trưởng Luận cho biết, những khó khăn của giáo viên mầm non, Bộ đã nắm được một số nét khái quát. Ví dụ, thời gian làm việc hơn 8 tiếng, thu nhập rất thấp, giáo viên ngoài công lập còn thấp hơn…

Để khắc phục vấn đề này, Bộ đã ban hành định mức làm việc của giáo viên mầm non, để các cô không phải làm việc căng thẳng như vậy. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, của các cơ quan chức năng của Quốc hội, của Chính phủ, Bộ đang nghiên cứu để có biên chế bảo mẫu.

Chính phủ cũng đã có cơ chế chuyển giáo viên mầm non ở các trường ngoài công lập ở vùng khó khăn vào công lập, nhưng chuyển như thế nào phụ thuộc vào khả năng của từng tỉnh, thành phố. Các địa phương đều có bàn bạc để từng bước chuyển giáo viên mầm non tại các vùng khó khăn từ khu vực ngoài công lập vào công lập, giải quyết chế độ chính sách.

Cũng đề cập đến vấn đề chính sách đãi ngộ cho giáo viên, bà Nguyễn Thị Nguyệt ở Hà Giang đặt câu hỏi: “Mặc dù đã có chế độ ưu đãi nhưng đến nay đời sống của giáo viên vùng cao còn rất khổ cực, cơ sở vật chất thiếu thốn, đồng lương không đủ sống, có nơi giáo viên không biết đến tiền thưởng Tết là gì. Vậy làm sao giáo viên tâm huyết được với nghề, thưa Bộ trưởng ?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Luận khẳng định, với giáo viên vùng cao đã có phụ cấp thu hút, cao nhất lên tới 70%. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, những khó khăn của các thầy cô, của học sinh tại các vùng khó khăn vẫn còn rất nhiều.

“Chính phủ đang xây dựng chính sách tiền lương mới, các bộ, ngành đang xem xét, đề xuất chính sách đặc thù đối với thầy cô, học sinh, sinh viên, các đối tượng ưu tiên. Tuy nhiên, chính sách này vẫn phải đặt trong mặt bằng chung với các đối tượng khác như lực lượng vũ trang,” ông Luận nói.

Sau hai tiếng ngồi trên "ghế nóng", trả lời liên tục các câu hỏi của người dân nhưng số câu hỏi vẫn không ngừng được gửi đến, ban tổ chức cho biết, các ý kiến thắc mắc sẽ tiếp tục được Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải đáp, trả lời độc giả trong thời gian sớm nhất./.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục