Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Văn phòng Chính phủ đôi khi phải "chịu nhịn"

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng trong quá trình xử lý công việc, có những ý kiến khác biệt, Văn phòng Chính phủ đôi khi phải "chịu nhịn," "chịu trận."
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Văn phòng Chính phủ đôi khi phải "chịu nhịn" ảnh 1 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Sáng 22/9, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra việc tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương; việc cập nhật nhiệm vụ lên hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi tại Văn phòng Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa làm trưởng đoàn.

Báo cáo của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng cho thấy 8 tháng năm 2016, Văn phòng Chính phủ đã tham mưu ban hành các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm của Quốc hội, trong đó đã xác định hơn 200 đề án lớn Chính phủ phải xây dựng và triển khai trong giai đoạn 2016-2020 đồng thời tham mưu ban hành Chương trình hành động nhiệm kỳ 2016-2020 của Chính phủ.

Chương trình công tác hàng năm, hàng quý, hàng tháng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được xây dựng, quản lý khoa học, có nhiều đổi mới, do vậy tình hình thực hiện chương trình công tác có bước tiến rõ rệt. Chất lượng chương trình được nâng lên, khả thi hơn, tiến độ thực hiện cơ bản đáp ứng yêu cầu, tình hình nợ đọng giảm dần.

Trong tám tháng, Văn phòng Chính phủ đã trình 288/379 đề án phải trình (đạt 76%); tham mưu, trình Chính phủ cho ý kiến, thông qua 19/20 dự án luật, pháp lệnh phải trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thẩm tra, trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành 116 Nghị định, 73 Nghị quyết, 32 Quyết định, 24 Chỉ thị, 72 thông báo kết luận, 312 công văn, công điện...

Số văn bản nợ đọng thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm còn thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ còn nợ 7 văn bản. Đến nay, tất cả văn bản, hồ sơ đều được xử lý qua mạng và được công khai rộng rãi tình hình, tiến độ xử lý, hạn chế tối đa tình trạng chậm xử lý hoặc để quá hạn hồ sơ.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tùng, việc tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho bộ, cơ quan, địa phương đảm bảo rõ về nội dung, đúng thẩm quyền, hợp lý về thời gian và nguồn lực thực hiện; kịp thời giải quyết những vấn đề đặt ra trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu theo dõi cho thấy trong tổng số 6.272 nhiệm vụ được giao cho bộ, cơ quan, địa phương trong 8 tháng, có 2.723 nhiệm vụ đến hạn phải hoàn thành, song, mới hoàn thành được 2.501 nhiệm vụ, 222 nhiệm vụ quá hạn nhưng chưa thực hiện xong.

Mặc dù đây là con số nợ của các bộ, ngành song Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng Văn phòng Chính phủ cũng phải gánh trách nhiệm với đơn vị, bộ, ngành đó. Bộ, ngành nợ tức là Văn phòng Chính phủ nợ, vì chưa đôn đốc, hoặc có thể đang trong quy trình xử lý tại Văn phòng Chính phủ.

Các thành viên Tổ công tác đánh giá Văn phòng Chính phủ đã thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng trong chỉ đạo, điều hành. Song, vẫn còn có những tiếng kêu ca từ phía các bộ, ngành trong công tác phối hợp tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều văn bản chậm chuyển theo dõi trên hệ thống phần mềm (hơn 50%), gây khó khăn cho bộ, cơ quan, địa phương trong việc cập nhật tình hình thực hiện, nhất là đối với các nhiệm vụ giao có thời hạn ngắn, gấp. Việc phân loại văn bản đôi khi chưa chính xác hoặc cập nhật thiếu nhiệm vụ, không đúng nhiệm vụ phải theo dõi, chuyển không đúng bộ, cơ quan, địa phương thực hiện gây lúng túng khi triển khai thực hiện và không đảm bảo tính chính xác của số liệu trên Hệ thống phần mềm với thực tế.

Thừa nhận không khỏi có "tiếng nọ," "tiếng kia" ở Văn phòng Chính phủ, còn những điều gây phiền hà, nhũng nhiễu, gây khó khăn, khó chịu cho doanh nghiệp, bộ ngành, địa phương song Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng lý giải với những việc có xung đột giữa các bộ, ngành, chưa đến mức phải đẩy lên Chính phủ, Văn phòng Chính phủ cùng các bộ, ngành tổ chức hội nghị để xử lý. Tuy nhiên, khi Văn phòng Chính phủ thẩm tra thì mang ý kiến độc lập. Không đúng quan điểm của mình, một số bộ, ngành chưa hẳn đã hài lòng. Khi không đồng tình, các vấn đề đều được xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng chia sẻ việc va chạm khiến nhiều bộ khó chịu vì không đạt ý mình. Trong quá trình xử lý công việc, có những ý kiến khác biệt, Văn phòng Chính phủ đôi khi phải "chịu nhịn," "chịu trận."

Một vấn đề nữa được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập là việc đùn đẩy văn bản của các bộ, ngành, địa phương lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tạo ra việc phải họp nhiều vì báo cáo không đúng thẩm quyền.

"Lẽ ra việc này thuộc thẩm quyền của Bộ chuyên ngành, do Bộ trưởng chịu trách nhiệm, nhưng không thực hiện, đùn đẩy lên Chính phủ. Lẽ ra việc đó thuộc Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh nhưng lại né tránh, tạo ra cơ chế gì đó cho thoáng hơn, tốt hơn, vượt khung, vượt rào thì đẩy lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ," Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Thậm chí, có những việc không phải trình lên báo cáo Thủ tướng nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn trình lên cho “hoành tráng," đảm bảo an toàn tuyệt đối từ nay trở về sau.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định nếu xử lý được việc này, sẽ giảm các văn bản tại cơ quan Văn phòng Chính phủ từ 20-30%. Những gì liên quan đến xây dựng thể chế, Văn phòng Chính phủ theo dõi cùng với các bộ, ngành để xử lý triệt để, không đẩy lên Thủ tướng. Văn phòng Chính phủ sẽ tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đúng việc cho các bộ, ngành, địa phương.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, trưởng đoàn công tác đánh giá Văn phòng Chính phủ là đơn vị đi đầu trong cải cách hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, đảm bảo nhanh, chính xác, công khai, minh bạch, an toàn và bảo mật.

Trưởng đoàn công tác cũng nêu lên một thực tế là có một số ý kiến của các bộ, ngành kêu ca về cán bộ Văn phòng Chính phủ cửa quyền, hạch sách và có biểu hiện lợi ích nhóm. Đây là vấn đề cần chú ý, mặc dù không nhiều.

Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Trọng Thừa đề nghị Văn phòng Chính phủ cần tham mưu quy định rõ thêm về vấn đề thẩm quyền, giải quyết theo thẩm quyền, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra cùng với Bộ Nội vụ thực hiện Chỉ thị 26/CT-TTg về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính. Văn phòng Chính phủ tham gia vào đánh giá chỉ số cải cách hành chính và là tấm gương cho các bộ, ngành, địa phương về cải cách hành chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục