Bộ trưởng Nhật lo ngại vì đồng yen mất giá quá mức

Bộ trưởng Akira Amari ngày 15/1 đã bày tỏ lo ngại về việc đồng yen có khả năng mất giá đến mức bất lợi cho người tiêu dùng.
Bộ trưởng Chính sách kinh tế và tài chính Nhật Bản Akira Amari ngày 15/1 đã bày tỏ lo ngại về việc đồng yen có khả năng mất giá đến mức bất lợi cho người tiêu dùng Nhật Bản do giá hàng nhập khẩu tăng.

Phát biểu trong cuộc họp báo, ông Amari nói đồng yen yếu đi “có thể là cơn gió thuận cho các nhà xuất khẩu, nhưng có thể gây tác hại tiêu cực cho cuộc sống của người dân. Tôi hy vọng xu hướng đồng yen giảm giá sẽ chỉ đến mức hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đối với cuộc sống người dân.”

Về những nhận xét của ông Amari, Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga cho rằng chính phủ “nên tránh bình luận về tỷ giá hối đoái” và nói rằng ông không thể nói gì hơn là đồng yen “đang ở giai đoạn điều chỉnh sự tăng giá quá mức của nó.”

[Nhật thông qua gói kích thích kinh tế 226,5 tỷ USD]

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Toshimitsu Motegi cho rằng các thị trường tài chính đang hoan nghênh gói kích thích kinh tế được chính phủ Nhật Bản công bố mới đây với mức cao nhất kể từ tài khóa 2009. Gói kích thích kinh tế này nhằm tăng 2% GDP và tạo thêm 600.000 việc làm cho Nhật Bản.

Các nguồn tin cho biết Chính phủ Nhật Bản ngày 15/1 sẽ thông qua ngân sách bổ sung trị giá 13.100 tỷ yen (147 tỷ USD) để tài trợ cho gói kích thích kinh tế mà Nhật Bản mới thông qua, tăng chi tiêu ngân sách cho năm tài chính 2012 lên khoảng 103.000 tỷ yen.

Để bù dắp cho khoản thiếu hụt thu nhập cho ngân sách bổ sung, Chính phủ Nhật Bản dự định phát hành thêm 5.200 tỷ yen trái phiếu xây dựng dành cho các dự án công.

Thủ tướng Shinzo Abe đang cố gắng khắc phục tình trạng kinh tế giảm phát càng sớm càng tốt và khôi phục nền kinh tế trì trệ bằng cách kích cầu trong nước thông qua tăng chi tiêu cho các dự án công.

Tuy nhiên, do ngân sách bổ sung phần lớn được tài trợ bằng cách phát hành trái phiếu, nên ngày càng có nhiều chỉ trích rằng chính phủ liên minh giữa Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Công Minh (NKP) có thể tiếp tục phá hỏng nền tài chính Nhật Bản vốn đã rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong số các nước phát triển./.

Minh Sơn/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục