Bộ trưởng Pháp giới thiệu sản phẩm thịt bò xuất sang Việt Nam

Pháp luôn ủng hộ việc đưa các mặt hàng thực phẩm, nhất là thịt bò vào Việt Nam, đổi lại Việt Nam cũng có thể xuất khẩu xoài, vải thiều vào thị trường Pháp.
Bộ trưởng Pháp giới thiệu sản phẩm thịt bò xuất sang Việt Nam ảnh 1Bộ trưởng Thương mại Pháp và Đại sứ Jean-Noel Poirier tại buổi gặp gỡ báo chí. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

“Chúng tôi luôn ủng hộ việc ​đưa các mặt hàng thực phẩm của Pháp vào thị trường Việt Nam. Đổi lại, Việt Nam cũng có thể xuất khẩu xoài, vải thiều sang thị trường Pháp. Tuy nhiên các sản phẩm cần phải đảm bảo tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn thực phẩm của EU. Một khi, các sản phẩm đảm bảo được các tiêu chuẩn trên, thì sẽ vào được thị trường Pháp, cũng như tiếp cận được thị trường châu Âu mà không cần thông qua các nước.”

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước cộng hòa Pháp tại Việt Nam, ngài Jean-Noel Poirier đã khẳng định như vậy trong buổi gặp gỡ báo chí diễn ra tối 28/7, tại Hà Nội.

Trước đó, trong ngày 27/7, bà Martine Pinville, Bộ trưởng Thương mại Pháp đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển ​Nông thôn Cao Đức Phát để trao đổi về việc tái xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Pháp vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là thịt bò và táo.

Ngoài buổi làm việc trên, chiều 28/7, bà Martine Pinville và Đại sứ Jean-Noel Poirier cũng đã gặp gỡ với các doanh nghiệp của Việt Nam, để tìm hiểu thị trường, nhu cầu tiêu thụ thịt bò Pháp ngay sau khi Việt Nam gỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò Pháp từ ngày 1/5 vừa qua.

Bà Martine Pinville cho biết, chuyến công tác này là theo yêu cầu của Thủ tướng Pháp, để làm việc với Bộ trưởng Cao Đức Phát. Trong chuyến đi này, bà đã mang theo 22 bộ hồ sơ của 22 doanh nghiệp Pháp có nhu cầu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, nhất là thịt bò và táo vào thị trường Việt Nam.

“Hiện 22 bộ hồ sơ này đang nằm trong tay các cơ quan chức năng của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng, trong thời gian tới, các mặt hang nông sản của Pháp sẽ được tiếp cận vào Việt Nam - một trong những thị trường lớn ở khu vực châu Á,” bà Martine Pinville nói.

Trả lời câu hỏi tại sao Pháp cho rằng thịt bò và táo nhập khẩu vào Việt Nam là rất quan trọng, bà Martine Pinville cho rằng thịt bò gốc là tự nhiên, nhưng đã bị cấm suốt 18 năm. “Thời gian đó là quá dài nên cần phải gỡ bỏ. Việc này nó cũng không phù hợp với quan hệ song phương thì phải kết thúc, để mở cửa và tiếp cận sản phẩm,” bà Martine Pinville nhấn mạnh.

Nói rõ hơn về việc nhập khẩu thịt bò, Đại sứ Jean-Noel Poirier cho biết, Việt Nam là nước cuối cùng có lệnh cấm thịt bò Pháp vào Việt Nam. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc họp kiến nghị, đến ngày 1/5/2015, Việt Nam đã cho phép thịt bò của Pháp được tiếp cận trở lại. Đây là tín hiệu tốt, khẳng định sự hợp tác rất thân thiện của các cơ quan chức năng hai nước.

“Tuy nhiên, hiện nay, thịt bò Pháp được nhập khẩu vào Việt Nam mới chỉ có sản phẩm đã lọc thịt, còn lại nhiều sản phẩm thịt bò khác như nguyên con, còn xương vẫn chưa được xuất khẩu.

"Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ phải làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam để các sản phẩm thịt bò có thể tiếp cận được thị trường Việt Nam. Đổi lại, chúng tôi cũng luôn ủng hộ các sản phẩm chất lượng của Việt Nam vào Pháp,” Đại sứ Jean-Noel Poirier nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục