Bộ trưởng Tài chính: Cân nhắc giảm kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, mức trích kinh phí công đoàn tại doanh nghiệp lên tới 2% quỹ lương mỗi tháng là rất lớn và cần nghiên cứu, cân nhắc lại.
Bộ trưởng Tài chính: Cân nhắc giảm kinh phí công đoàn cho doanh nghiệp ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, mức trích kinh phí công đoàn tại doanh nghiệp lên tới 2% quỹ lương mỗi tháng là rất lớn và cần nghiên cứu, cân nhắc lại.

Nói thêm về vấn đề trên tại phiên họp Chính phủ tổ chức chiều 3/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đính Tiến Dũng tính toán, hàng tháng, các khoản doanh nghiệp phải đóng 21,5% quỹ lương cho các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải trích 2% quỹ lương cho kinh phí công đoàn. Tổng cộng các khoản đóng góp là 23,5% quỹ lương.

Mức trích trên theo Bộ trưởng là cao so với các nước trong khu vực. Bộ trưởng cho biết, vừa qua Chính phủ đã thống nhất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp của người sử dụng lao động từ 1% xuống 0,5%.

Tuy vậy, Bộ trưởng tính toán, sự thay đổi này chỉ giúp mỗi doanh nghiệp giảm chi phí trung bình khoảng 13,7 triệu đồng mỗi năm.

Từ đó, Bộ trưởng đề xuất, kinh phí công đoàn cần nghiên cứu, cân nhắc giảm bởi mức 2% hiện tại theo ông là lớn. Đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng ông nhắc lại: “Tới đây có sửa thì phải nghiên cứu vấn đề này.”

[Bảo hiểm xã hội : Người lao động cũng muốn "trốn" tham gia]

Cũng về chi phí doanh nghiệp, người đứng đầu ngành tài chính cho rằng, việc giảm, giãn thuế đã được thực hiện trong suốt thời gian qua và với lộ trình ngày càng nhanh.

Điều này theo ông một phần cũng hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng cũng khiến giảm thu khoảng 1% GDP mỗi năm. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp hiện phổ thông ở mức 20% nhưng Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng tính toán, nếu tính cả các ưu đãi thì bình quân hiện chỉ khoảng 14-15%.

Mức bình quân trên so với các nước ASEAN theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là “trung bình thấp.” Bởi vậy, Bộ trưởng đề nghị, các đề xuất miễn giảm thuế sắp tới cần “cẩn trọng và cân nhắc.”

Vấn đề lớn của các doanh nghiệp theo Bộ trưởng là lãi suất ngân hàng. Bộ trưởng thống kê, hiện lãi cho vay các lĩnh vực khoảng 6-9% với các khoản ngắn hạn và khoảng 9-11% với vay trung và dài hạn. Bởi vậy, theo Bộ trưởng, nếu phấn đấu giảm lãi suất khoảng 0,5%-1% sẽ hiệu quả hơn thực hiện giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.

Riêng phần chi phí liên quan tới thủ tục hành chính thuế, hải quan, Bộ trưởng khẳng định thời gian tới, bộ sẽ đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục để giảm chi phí cho các đơn vị./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục