Bộ Xây dựng: Cần phân định rạch ròi hạn chế loại xe

Theo Bộ Xây dựng, Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn cần phải phân định rạch ròi loại phương tiện nào là phương tiện cá nhân cần hạn chế, phương tiện nào là phương tiện vận tải hành khách công cộng cần phát triển, đồng thời đề nghị Bộ Giao thông làm rõ cơ sở thu phí phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Về giải pháp phát triển giao thông công cộng thuận tiện, văn minh, lịch sử chính là giải pháp cơ bản nhất, xuyên suốt, quyết định của Đề án hạn chế phương tiện cá nhân, giải pháp này phải được kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác (giải pháp về quy hoạch đô thị, quy hoạch giao thông, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt phát triển giao thông ngầm, trên cao…).
Bộ Xây dựng vừa có ý kiến góp ý dự thảo “Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn,” trong đó đề cập đến bổ sung quy định loại phương tiện nào là phương tiện cá nhân cần hạn chế, phương tiện nào là phương tiện vận tải hành khách công cộng cần phát triển đồng thời nhấn mạnh việc áp dụng tăng thuế phí phương tiện trên cả nước, đồng thời đề nghị Bộ Giao thông làm rõ cơ sở thu phí phương tiện vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

Điều chỉnh tiêu chí loại phương tiện

Trong văn bản góp ý số 1522/BXD–HTKT do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang ký gửi Bộ Giao thông Vận tải đã đánh giá về mục tiêu, quan điểm, phương pháp xây dựng Đề án trong đó cần làm rõ các loại hình phương tiện cá nhân đồng thời đưa ra các nhóm giải pháp sở hữu và sử dụng phương tiện cá nhân, phát triển vận tải hành khách công cộng, phát triển kết cấu hạ tầng và lộ trình thực hiện đề án.

Bộ Xây dựng nhìn nhận, Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông ở các thành phố lớn được nghiên cứu công phu, các giải pháp đề xuất dựa trên việc tổng kết đánh giá khách quan số liệu điều tra, sử dụng phương pháp dự báo khoa học khả thi.

Tuy nhiên, để không “mơ hồ” về loại hình phương tiện cá nhân bắt buộc hạn chế hay phương tiện công cộng nào cần phát triển, Bộ Xây dựng cũng đề nghị Bộ Giao thông cần phải phân định rạch ròi loại phương tiện nào là phương tiện cá nhân cần hạn chế, phương tiện nào là phương tiện vận tải hành khách công cộng cần phát triển. Qua đó, điều chỉnh mục tiêu hạn chế phương tiện cá nhân đến năm 2020 về cùng tiêu chí giữa loại xe con và taxi; xe gắn máy và xe đạp; xe buýt và xe khách; xe buýt thường và xe buýt nhanh; đường sắt đô thị; các loại phương tiện khác của các thành phố.

Nhằm hạn chế sự gia tăng của phương tiện cá nhân, Bộ Xây dựng cũng kiến nghị, cần bổ sung chỉ tiêu giảm thị phần (khoảng tỷ lệ %) của phương tiện cá nhân tham gia giao thông so với hiện tại và tốc độ phát triển phương tiện cá nhân giảm so với dự báo nếu không có giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân đến năm 2015, 2020.

“Trước khi đưa ra con số ‘khống chế’ số lượng xe thì cần thống nhất tiêu chí về thị phần phương tiện vận tải hành khách công cộng giữa kịch bản được lựa chọn và mục tiêu đến năm 2020,” Bộ Xây dựng nhìn nhận.

Ngoài ra, với giải pháp phát triển giao thông công cộng thuận tiện, văn minh, lịch sử chính là giải pháp cơ bản nhất, xuyên suốt, quyết định của Đề án hạn chế phương tiện cá nhân, Bộ Xây dựng cho rằng, giải pháp này phải được kết hợp đồng bộ với các giải pháp khác (giải pháp về quy hoạch đô thị, coi trọng đẩy nhanh quy hoạch giao thông tại các thành phố lớn; giải pháp về đột phá phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt phát triển giao thông ngầm, trên cao…), cần bổ sung quan điểm này vào Đề án.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cũng đề nghị bổ sung giải pháp đề cao việc ứng xử văn minh, lịch sự của nhà xe với hành khách, triển khai tuyến xe phục vụ chất lượng, văn minh, lịch sự.

Áp dụng tăng thuế, phí phương tiện cả nước

Theo Bộ Xây dựng, với các giải pháp về sở hữu phương tiện cá nhân cần có sự đánh giá việc thực hiện, sử dụng các loại thuế tiêu thụ đặc biệt, phí trước bạ, phí đăng ký phương tiện và tác động như thế nào đối với người dân.

“Việc tăng các loại thuế này nên áp dụng địa bàn cả nước không chỉ đối với các thành phố lớn như đề xuất của Đề án, đồng thời phải có lộ trình điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội,” Bộ Xây dựng cho hay.

Bộ Xây dựng bày tỏ quan điểm về một số giải pháp mới được đề xuất theo như đề án của Bộ Giao thông như phí môi trường, cấp hạn mức đăng ký mới (quota) phương tiện cá nhân, đấu giá và nộp tiền lưu hành xe, chứng minh có chỗ đỗ xe ô tô con, khuyến khích phương tiện chuyển nhượng hưởng phí thấp và hỗ trợ thủ tục khi sang tên chính chủ, đăng kiểm xe gắn máy cần phải được đánh giá tác động do phát sinh khối lượng lớn về thủ tục hành chính, nhân lực, chi phí cho bộ máy tổ chức thực hiện và đi lại của người dân.

Về các giải pháp về sử dụng phương tiện cá nhân, nên thống nhất chuyển phí dịch vụ trông giữ xe thành giá dịch vụ trông giữ xe; Quy định khu vực, tuyến phố đi bộ.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng cho rằng, báo cáo Đề án của Bộ Giao thông Vận tải chưa làm rõ cơ sở khoa học và thực tiễn về việc đề xuất thu phí phương tiện hoạt động giờ cao điểm, phí vào trung tâm thành phố.

Riêng các giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, Bộ Xây dựng cũng khuyến cáo Bộ Giao thông cần bổ sung giải pháp về công tác bảo trì, tăng cường công tác tuần đường phát hiện và khắc phục ngay kịp thời các hư hỏng nhỏ không để hư hỏng lớn mới sửa chữa, đặc biệt sau mưa bão, có biện pháp khắc phục các hư hại sụt lún, lồi lõm, nham nhở mặt đường tại vị trí hố ga, xung quanh hố ga, tại các vệt đào đường, đào hè đã hoàn trả đảm bảo giao thông êm thuận tại các thành phố lớn, đặc biệt tại Thủ đô Hà Nội.

Về lộ trình thực hiện Đề án, Bộ Xây dựng không có ý kiến về thời điểm triển khai nhưng cho rằng Đề án báo cáo Chính phủ cần có lộ trình cụ thể hơn đảm bảo sự đồng bộ giữa phát triển hành khách công cộng với hạn chế phương tiện cá nhân và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục