Bộ Y tế cảnh báo: Bệnh sốt mò xuất hiện quanh năm ở Việt Nam

Theo Cục Y tế dự phòng, bệnh sốt mò xuất hiện ở Việt Nam quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa và tập trung chủ yếu ở vùng nông thôn rừng núi (chiếm hơn 80%).

Thời gian gần đây, bệnh sốt mò xảy ra ở tỉnh Yên Bái, tập trung nhiều ở các huyện Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Căng Chải, thị trấn Nghĩa Lộ; từ tháng Tư đến tháng Chín năm nay đã có gần 80 bệnh nhân sốt mò, chủ yếu là người dân tộc sống ở núi cao.

Ngày 13/10, thông tin từ Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế cho biết, bệnh sốt mò xuất hiện ở Việt Nam quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa từ tháng Tư đến tháng 10, đỉnh cao vào tháng Sáu-Bảy. Bệnh thường tản phát nhưng có thể bùng thành dịch khi có nhiều người chưa miễn dịch đi vào đúng ổ dịch.

Bệnh gặp chủ yếu ở vùng nông thôn rừng núi chiếm tới hơn 80%, hiếm ở thành thị. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng chủ yếu ở lứa tuổi lao động, phân bố theo tính chất nghề nghiệp như lâm nghiệp, nông nghiệp, bộ đội.

Bệnh sốt mò là một bệnh do tác nhân Orientia tsutsugamushi, có ổ dịch thiên nhiên, truyền ngẫu nhiên sang người khi bị ấu trùng mò đốt. Bệnh lưu hành chủ yếu ở châu Á và Tây Thái Bình Dương. Mầm bệnh Orientia tsutsugamushi (còn có tên R.orientalis, hoặc R.tsutsugamushi), dài 1,2-3mm, rộng 0,5-0,8mm, hình cầu hoặc cầu trực khuẩn, thường xếp thành đám mầu tím đỏ, dưới kính hiển vi điện tử có màng bọc. R.orientalis có 2 ổ chứa trong thiên nhiên là mò và gặm nhấm - thú nhỏ.

Người bệnh không có khả năng truyền bệnh sang người khác. Mò và ấu trùng ưa sống ở nơi đất xốp, ẩm mát trong các khe hang, ven bờ sông suối, nơi dâm mát có bụi rậm và cây thấp có quả hạt để chờ thú nhỏ - gặm nhấm lui tới. Người có thể bị đốt trong các điều kiện như sinh hoạt lao động trong ổ dịch; phát rẫy làm nương; bộ đội đi dã ngoại; ngồi, nằm nghỉ, trên bãi cỏ…

Theo Cục Y tế dự phòng, thời kỳ ủ bệnh sốt mò trung bình từ 8-12 ngày, lúc đầu tại nơi ấu trùng mò đốt có một nốt phỏng nước bằng hạt đỗ, không đau nên bệnh nhân thường không chú ý. Vào thời kỳ toàn phát, người bệnh có thể sốt cao, liên tục, kéo dài 15-20 ngày thậm chí tới 27 ngày nếu không điều trị; có khi rét run 1-2 ngày đầu kèm theo sốt, nhức đầu nặng, đau mỏi cơ.

Nốt loét đặc trưng (điển hình của sốt mò) thường ở vùng da mềm, ẩm như bộ phận sinh dục, vùng hạ nang, hậu môn, bẹn, nách, cổ; đôi khi ở vị trí bất ngờ trong vành tai rốn, mi mắt (dễ nhầm với lẹo mắt). Đặc điểm của nốt loét là không đau, không ngứa và xuất hiện ở 65-80% các truờng hợp.

Nốt phỏng ban đầu phát triển dần thành dịch đục trên một nền sẩn đỏ, sau 4-5 ngày vỡ ra thành một nốt có vẩy nâu nhạt hoặc sẫm tùy vào vùng da mềm hay cứng và độ non hay già của nốt loét.

Sau một thời gian, vẩy bong để lộ nốt loét đáy nông, hồng nhạt, không mủ, không tiết dịch, bờ viền hồng đỏ hoặc thâm tùy theo bệnh đang phát triển hay đã lui; từ khi hết sốt nốt loét liền dần. Đối với bệnh nhân nặng hay gặp các dấu hiệu như tiếng tim mờ, huyết áp thấp, mạch chậm so với nhiệt độ, chảy máu cam, viêm phế quản, viêm phổi không điển hình...

Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng tránh bệnh sốt mò người dân tránh ngồi, nằm, phơi quần áo hoặc đặt balô trên bãi cỏ, gần bờ bụi, gốc cây. Khi đi phát nương làm rẫy, hành quân dã ngoại, trinh sát trong rừng cần mang giày và tất, chít ống quần; tốt nhất là tẩm quần áo bằng thuốc diệt mò hoặc sử dụng các kem xua diệt mò.

Người dân có thể diệt mò trong môi trường bằng cách phun thuốc diazinon, fenthion vào đất ẩm, bờ bụi cây cỏ cao dưới 20cm quanh nhà, nhất là các nơi râm mát...; phát quang bụi rậm xung quanh nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục