Bộ Y tế: Ổ dịch bệnh bạch hầu ở Quảng Nam đã được khống chế

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết ổ dịch bạch hầu tại Quảng Nam được khống chế, không để lây lan và không xuất hiện bệnh nhân mới.
Bộ Y tế: Ổ dịch bệnh bạch hầu ở Quảng Nam đã được khống chế ảnh 1Một người dân có triệu chứng như bệnh bạch hầu được điều trị tại Trung tâm y tế huyện Phước Sơn. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)

Ngày 24/7, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết thời gian qua, tại thôn 8A và 8B, xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) đã có trường hợp bị nhiễm bệnh bạch hầu khiến người dân địa phương và cộng đồng lo lắng.

Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch bạch hầu tại đây, Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu Sở Y tế tỉnh Quảng Nam giám sát tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, khẩn trương triển khai các hoạt động phòng chống dịch kịp thời, không để lan rộng trong cộng đồng. Sở Y tế Quảng Nam đã phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang triển khai tiêm vắcxin chống dịch tại khu vực xảy ra ổ dịch.

Đến nay, ổ dịch đã được khống chế, không xuất hiện bệnh nhân mới, các bệnh nhân mắc bệnh đã được điều trị khỏi.

Bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do nội độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây nên. Đặc trưng bệnh là tạo một lớp màng giả trong họng hầu và thường khó bóc tách. Để kết luận mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân phải có kết quả xét nghiệm bệnh phẩm dương tính với vi khuẩn bạch hầu hoặc bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng điển hình trong trường hợp ổ dịch có bệnh nhân xét nghiệm dương tính.

Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, đôi khi có thể gặp ở người trưởng thành nếu không có miễn dịch. Bạch hầu lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang vi trùng khi ho, hắt hơi. Mức độ lây lan sẽ nguy hiểm hơn tại khu vực đông dân cư hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Trước đây, bạch hầu lưu hành khá phổ biến ở Việt Nam. Từ khi vắcxin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, nước ta đã khống chế được bệnh. Hiện nay, căn bệnh này rất hiếm gặp, chỉ xuất hiện trung bình 1-2 ca/năm tại một số vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là tại những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Theo kết quả điều tra của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam, những bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu ở hai thôn 8A và 8B của xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn) đều là những người trước đây chưa tiêm phòng vắcxin. Mặc dù cán bộ y tế vận động nhiều lần nhưng do quan niệm sai lầm và hủ tục lạc hậu nên người dân không tham gia tiêm chủng.

Các chuyên gia y tế khẳng định các biểu hiện như đau, rát ở cổ họng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như bị viêm amidan cấp, do vậy người dân nên đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và chẩn đoán chính xác khi có các triệu chứng nêu trên.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân cần tiêm vắcxin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch để phòng chống bệnh bạch hầu. Ngoài ra, người dân phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; giữ vệ sinh sạch sẽ, che miệng khi ho, hắt hơi, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng. Nếu nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, người dân cần đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục