Bội chi ngân sách: "Cấp nào sai thì cấp đó phải chịu trách nhiệm"

Theo đại biểu Bùi Đức Thụ, luật đã phân cấp trong việc thu chi ngân sách, nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó lo, nếu làm sai thì phải xử lý hậu quả và đây là nguyên tắc tài chính đã được luật hóa.
Bội chi ngân sách: "Cấp nào sai thì cấp đó phải chịu trách nhiệm" ảnh 1Đại biểu quốc hội Bùi Đức Thụ đang trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước là hết sức cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại của Luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế hướng tới thực hiện nền tài chính công khai, minh bạch.

Bên lề kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 13, Đại biểu Bùi Đức Thụ, đoàn Lai Châu đã có cuộc trao đổi với phóng viên nhằm rõ hơn những nội dung của dự án luật ngân sách sửa đổi lần này.

- Thưa ông, việc bổ sung các khoản chi như tăng lương, trợ cấp có ảnh hưởng đến việc cân đối Ngân sách nhà nước không?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Chỉ hỗ trợ cải cách tiền lương, tăng lương cho người có hệ số lương thấp dưới 2,34 hay chế độ làm nhà ở đối với người có công, người thuộc diện chính sách nhưng cũng phải giãn ra.

Thực tế nhiều nhiệm vụ bức thiết đã có trong kế hoạch nhưng chưa được thực hiện, nếu ngân sách Trung ương lại gánh thêm thì nguy cơ áp lực tăng nợ công và tăng bội chi ngân sách hàng năm.

Ngoài ra, nếu các địa phương tiếp tục chi vượt dự toán thì sẽ thành một khối nợ khổng lồ và Trung ương lại chạy theo đi xử lý nợ sẽ dẫn tới tình trạng ủng hộ hoặc tạo điều kiện cho những địa phương vượt kế hoạch vốn và kỷ luật tài chính không nghiêm.

Về nguyên tắc, ngân sách cấp nào chi thì cấp đó phải chịu trách nhiệm và phải đảm bảo cân đối, trong trường hợp khó khăn của địa phương làm ảnh hưởng tới an ninh tài chính quốc gia, ảnh hưởng đến nợ công và buộc phải có giải pháp xử lý ngay thì phải trình ra Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ quốc hội để xem xét xử lý vì mục tiêu cuối cùng phải là an ninh tài chính, ổn định vĩ mô của tổng thể nền kinh tế.

- Chúng ta đã có luật quản lý nợ công, liệu thời gian tới việc quản lý vấn đề này có được chặt chẽ không thưa ông?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Quản lý nợ công nói riêng và quản lý nguồn ngân sách nói riêng trong vài năm trở lại đây cũng đã được tăng cường một cách mạnh mẽ, bởi luật cũng được sửa đổi theo hướng hoàn thiện và chặt chẽ hơn, kể cả các văn bản dưới luật cũng được hoàn thiện.

Thậm chí những vấn đề phát sinh trong nghị quyết của quốc hội hàng năm như: Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước phân bổ ngân sách Trung ương cũng đã quy định chặt chẽ hơn nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương về tài chính.

Tuy nhiên, tình trạng này có ngăn chặn được không còn phụ thuộc vào công tác quản lý, điều hành, luật nghị quyết có nhưng khâu thực thi chưa chặt chẽ thì nguy cơ tăng nợ công, nợ do xây dựng cơ bản... vẫn là hiện hữu.

Để khắc phục tình trạng này cần phải cá thể hóa trách nhiệm đối với những người quyết định về đầu tư làm vượt kế hoạch vốn và chỉ trong trường hợp chúng ta phát hiện kịp thời, xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai mới có thể ngăn chặn được tình trạng này.

- Trong trường hợp các chủ đầu tư bị địa phương nợ thì phải xoay xở thế nào thưa ông?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Đối với các nhà thầu phải triển khai theo kế hoạch vốn đã được duyệt. Hàng năm Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước trong đó có tổng mức đầu tư xây dựng cơ bản và được phân bổ cho Trung ương cũng như cho từng địa phương.

Hội đồng nhân dân tỉnh căn cứ vào mức Trung ương phân bổ sẽ tính thêm số chuyển nguồn năm trước sang, cộng với khả năng sử dụng dự phòng ngân sách của năm đó được bổ sung cho đầu tư rồi tính thêm cả khoản vay để xây dựng và phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản của địa phương và giao đến từng dự án một. Nhà thầu phải căn cứ vào kế hoạch vốn đã được cấp có thẩm quyền giao để triển khai thực hiện.

Đối với nhà thầu thực hiện vượt vốn được giao thì trước hết đầu tiên thuộc về nhà thầu vì địa phương đã có công bố rồi thì chỉ làm trong khuôn khổ vốn đó. Ở địa phương mọi nguồn vốn chắc chắn đã được cân đối rồi, do đó nếu buộc phải thanh toán thêm các khoản thêm làm vượt của từng nhà thầu sẽ làm tăng mức bội chi lên.

Nếu như Trung ương cũng như địa phương cứ làm vượt kế hoạch vốn (kế hoạch vốn đã có trong Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân là một văn bản quy phạm pháp luật), rồi chính quyền các cấp lại chạy theo đi xử lý sẽ tạo thành tiền lệ xấu và kỷ luật tài chính không được tôn trọng.

Việc cần rút kinh nghiệm ở đây là các nhà thầu cần phải hiểu rõ hơn về những quy định pháp luật cũng như hậu quả của việc trái pháp luật, vượt kế hoạch vốn sẽ dẫn tới việc phải gánh chịu không chỉ nợ đọng, thiếu vốn phải tăng dư nợ cho vay đồng thời còn làm tăng thêm lãi cho vay với nhà thầu từ đó ảnh hưởng đến việc đầu tư.

Đối với chính quyền địa phương cũng cần phải tuyên truyền rõ hơn cho nhà thầu để từ hai phía trách nhiệm của Ban Quản lý dự án cũng phải có trách nhiệm hơn và nhà thầu ý thức được hơn thì mới có thể ngăn chặn được việc chi vượt của nhà thầu.

- Còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản hiện nay cũng đang rất bức xúc, theo ông vấn đề này nên có hướng kiểm soát thế nào?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Trong nợ đọng xây dựng cơ bản có yếu tố nợ do xây dựng chương trình nông thôn mới, qua giám sát thì nhiều địa phương, nhiều xã nợ còn tương đối cao.

Nợ này có phải là do mục tiêu của chương trình nông thôn mới không thì đây chỉ là một lý do thôi, còn mục tiêu xây dựng chương trình nông thôn mới là mục tiêu cần hướng đến còn tổ chức thực hiện như thế nào thì phải có nguồn lực và việc bố trí từng nguồn lực cho từng dự án phải tuân thủ theo quy định của pháp luật, chứ điều đó không phải là làm mục tiêu trên bằng mọi giá, không có tiền thì vay bằng mọi giá để tiến hành xây dựng nông thôn mới.

Qua giám sát chúng tôi cũng thấy rằng, nợ xây dựng nông thôn mới có những lý do khách quan, đó là nợ ngoài nguồn vốn cấp cho xã thì còn có của chương trình nông thôn quốc gia có nguồn để thu cấp quyền sử dụng đất và việc này được giao cho địa phương quản lý sử dụng.

Thực tế, các xã thường tính cả số thu cấp quyền sử dụng đất này với một dự báo tương đối khả quan để mà tiến hành đầu tư, nhưng trên thực tế mấy năm gần đây khi thị trường bất động sản trầm lắng và chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét đã dẫn đến việc thu cấp quyền sử dụng đất của nhiều địa phương không đạt thậm chí không đúng với kỳ vọng do vậy dẫn đến việc nguồn bố trí cho việc chi đầu tư xây dựng nông thôn mới cũng không tăng kịp so với tiến độ đầu tư nên đã phát sinh thêm nợ đối với việc xây dựng nông thôn mới.

- Vậy với việc chi sai thì phải xử lý ra sao thưa ông?

Đại biểu Bùi Đức Thụ: Về nguyên tắc đã phân cấp rồi, nhiệm vụ của cấp nào thì cấp đó bỏ tiền ra lo, nếu làm sai thì phải xử lý hậu quả và đây là nguyên tắc tài chính đã được luật hóa.

Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục