Bốn tháng “thử lửa” buýt nhanh BRT: Có 23% người dân từ bỏ xe cá nhân

Xe buýt nhanh BRT tuyến số 01 Kim Mã-Yên Nghĩa đã thu hút được 23% người dân có nhu cầu đi lại trên tuyến từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng buýt BRT.
Bốn tháng “thử lửa” buýt nhanh BRT: Có 23% người dân từ bỏ xe cá nhân ảnh 1Buýt nhanh BRT 01 Kim Mã-Yên Nghĩa đi vào hoạt động đã thu hút được số lượng khách tham gia khá cao. (Ảnh: Thi Uyên/Vietnam+)

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị cho biết, chỉ trong bốn tháng thực hiện (từ đầu năm đến nay), xe buýt nhanh BRT tuyến số 01 Kim Mã-Yên Nghĩa đã thu hút được 23% người dân có nhu cầu đi lại trên tuyến từ bỏ phương tiện cá nhân để sử dụng buýt BRT.

Thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho thấy, đến thời điểm này, tuyến buýt BRT 01 Kim Mã-Bến xe Yên Nghĩa đã vận chuyển gần 1,1 triệu lượt hành khách và lượng khách vẫn tiếp tục tăng chứ không giảm.

[Buýt nhanh BRT đông khách đi trong ngày đầu bán vé chính thức]

Trong giai đoạn từ khi thu phí (6/2 đến nay), bình quân mỗi chuyến xe buýt BRT vận chuyển được 42,5 hành khách/lượt; 14.472 hành khách/ngày. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, xe buýt BRT đạt sản lượng bình quân 75,9 hành khách/lượt, thậm chí có chuyến xe đạt 90 hành khách/lượt. Điều này cho thấy tính ưu việt của loại hình vận tải công cộng này tại Hà Nội.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải đang khảo sát để tổ chức cho xe buýt thường chạy trùng tuyến buýt nhanh BRT 01 Kim Mã-Yên Nghĩa được lưu thông vào làn xe buýt nhanh để nâng cao hiệu quả vận hành của xe buýt thường.

“Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội đang khảo sát thực tế, xây dựng phương án thí điểm cho xe buýt thường đi vào làn BRT trình thành phố xem xét, dự kiến thời gian thí điểm khoảng sáu tháng,” ông Hải cho hay.

Nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại, xe buýt thường điểm dừng đỗ, cửa lên xuống ở bên phải đường trong khi buýt nhanh lại dùng nhà chờ bên trái để đón khách. Và câu hỏi được đưa ra tranh luận rằng, liệu giải pháp này có khả thi?

[Sứ mệnh xe buýt nhanh BRT và bài test văn hóa giao thông Hà Nội]

Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Giao thông Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, một trong những giải pháp phát triển hạ tầng xe buýt ở Hà Nội là phải nghiên cứu làn đường dành riêng.

Trong đó, thành phố cần ưu tiên xây dựng các làn đường dành riêng cho xe buýt trên nền các tuyến BRT theo quy hoạch làm cơ sở cho phát triển BRT sau này cũng như nâng cao năng lực phục vụ của các tuyến buýt thường.

“Chính quyền thành phố cần kiên định với giải pháp về xây dựng hạ tầng cho xe buýt cũng như cơ chế, chính sách ưu tiên khác. Có sự thống nhất và cương quyết tổ chức thực hiện xuyên suốt từ trên xuống,” ông Mười nhấn mạnh.

[Buýt nhanh BRT Hà Nội không thể vận hành đủ chức năng giống thế giới]

Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội nhận định, hạn chế lớn nhất của xe buýt hiện nay chính là không có làn đường riêng, lưu thông chung với các loại phương tiện cá nhân. Trong khi đó, trên cùng 1 tuyến đường, xe buýt nhanh và buýt thường cùng lưu thông ở 2 làn đường khác nhau, chiếm dụng nhiều diện tích của các phương tiện khác cũng gây phản cảm.

“Thành phố cần có những biện pháp cụ thể, nhanh chóng phát triển hạ tầng riêng cho xe buýt cũng như vận tải công cộng để nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Và ý tưởng để xe buýt thường chạy vào làn xe buýt nhanh rất đáng để thử nghiệm,” ông Thông chia sẻ.

Một số chuyên gia giao thông cũng bày tỏ sự lo ngại khi buýt thường đi vào làn BRT có thể khiến buýt nhanh giảm tốc độ, phát sinh nguy cơ mất an toàn giao thông khi xe buýt thường liên tục phải chuyển làn, cắt ngang dòng phương tiện khi ra vào điểm đỗ, nhà chờ….

Và các giải pháp vẫn đang chờ phía Sở Giao thông Vận tải Hà Nội tính toán đến phương án tổ chức giao thông trên tuyến đường này ra sao để thấy rằng, thử nghiệm có hợp lý và nâng cao hiệu quả vận hành của xe buýt thường?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục