Bong bóng đường sá: Những con đường không ai đi

Tây Ban Nha đã từng trải qua giai đoạn sốt xây dưng cơ sở hạ tầng, và giờ hệ quả là rất nhiều con đường không có bóng xe qua.
Tại trạm thu phí Leganes nằm ngay bên ngoài Madrid, các nhân viên căng mắt nhìn về phía đường chân trời, chờ mong những chiếc xe chạy qua. Trong cuộc suy thoái ở Tây Ban Nha, khi lượng xe lưu thông trên đường ngày càng ít đi, các dự án xây dựng đường xá của nước này cũng rơi vào cảnh phá sản.
Bong bóng đường sá: Những con đường không ai đi ảnh 1
Giống như bong bóng nhà đất, vốn được bơm hơi liên tục cho tới khi nó bùng nổ hồi năm 2008, hay như bong bóng xây sân bay ảo, cơn sốt xây đường ở Tây Ban Nha cũng đã qua thời kỳ đỉnh cao của nó. "Giờ đây, chúng tôi thậm chí còn không thể trả được nợ đúng hạn. Chúng tôi đã nằm trong tay của tòa án" - Jose Antonio Lopez Casas, giám đốc Accesos de Madrid, công ty quản lý 2 xa lộ chính nằm quanh thủ đô. 2 xa lộ này, mang tên Đường vành đai 3 và Vành đai 5, đã khai trương hồi năm 2004 ở đỉnh cao của cơn sốt xây dựng tại Tây Ban Nha. Giờ công ty đang nợ ngân hàng 660 triệu Euro (850 triệu USD), nợ các nhà xây dựng 340 triệu Euro và nợ những người dân phải tái định cư để xây đường một số tiền lên tới 400 triệu Euro. Kể từ khi quốc lộ Madrid-Toledo phải bắt đầu tiến trình tái cấu trúc quản lý hồi tháng 5 vừa qua, xu hướng này đã lan rộng, với ít nhất 5 tuyến đường chính khác cũng lâm vào tình cảnh tương tự. "Chẳng có gì ngạc nhiên cả" - Paco Segura, một chuyên gia vận tải tại nhóm vận động vì môi trường Ecologists in Action nói - "Ở Tây Ban Nha, giống như bong bóng bất động sản, đã từng có bong bóng ở lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bộ phận được phát triển mạnh nhất là các xa lộ. Chúng tôi xây hàng ngàn cây số đường cao tốc trên các cung đường không tập trung nhiều phương tiện giao thông." Cơn sốt xây cơ sở hạ tầng đã giúp Tây Ban Nha phá kỷ lục. Nơi đây trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên có hệ thống đường cao tốc dài nhất châu Âu, có nhiều sân bay thương mại quốc tế nhất và chỉ đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc về chiều dài của hệ thống đường sắt cao tốc. Nhưng trong khi nhà nước phê chuẩn toàn bộ các dự án do nhiều công ty tư nhân xây dựng kể trên, chính quyền lại phát triển song song một hệ thống xa lộ không thu phí, vốn được các bác tài ưa chuộng. Trong quý đầu tiên năm nay, khi nền kinh tế Tây Ban Nha rơi vào suy thoái, hoạt động đi lại trên đường cao tốc đã giảm mất 8,2%, so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức thấp nhất kể từ năm 1998. "Giao thông quanh Madrid đã tụt từ 15-20% trong 5 năm qua" - Lopez đánh giá về các con đường thu phí - "Trong trường hợp của chúng tôi, sự tụt giảm còn mạnh hơn thế." Còn theo Jacobo Diaz, giám đốc Hiệp hội đường bộ Tây Ban Nha, tình hình kinh tế khó khăn khiến cho chi phí khi di chuyển trên một con đường thu phí cũng trở thành yếu tố cân nhắc để người ta quyết định có sử dụng một tuyến đường nào đó hay không, nhất là khi luôn có sẵn một tuyến đường tương tự không thu phí, với chất lượng vừa đủ."Nhu cầu sử dụng đường đã bị thổi phồng. Lưu lượng giao thông thực chỉ bằng 1/4 những gì đã được dự báo" - ông nói. Ecologists in Action ước tính rằng đường cao tốc nối Madrid và thành phố Toledo chỉ nhận được 11% lưu lượng giao thông mà các nhà phát triển nó dự kiến. Segura cũng cho biết ở quanh Madrid, gần như toàn bộ mọi hệ thống đường cao tốc sắp phá sản có lưu lượng xe cộ qua lại chỉ chưa đầy 40% mức dự kiến, khi chúng được xây dựng.
Bong bóng đường sá: Những con đường không ai đi ảnh 2
Trên các con đường của Accesos de Madrid, chỉ có khoảng 10.000 xe qua lại mỗi ngày trong khi mức dự kiến là 35.000 xe. (Nguồn: AFP)
Trên các con đường của Accesos de Madrid, chỉ có khoảng 10.000 xe qua lại mỗi ngày trong khi mức dự kiến là 35.000 xe. Lopez hiện đang hy vọng rằng sẽ nhận được một chút sự trợ giúp từ chính phủ, khi Tây Ban Nha đang trong làn sóng cắt giảm chi tiêu công để chống suy thoái. "Không còn nghi ngờ gì khi nói cơ sở hạ tầng đã được xây dựng quá mức. Phần lớn những gì được xây lên đã không được sử dụng" - ông nói - "Chuyện như thế đã xảy ra với các đường cao tốc, với các sân bay. Chẳng sớm thì muộn, chúng tôi sẽ chứng kiến kết cục tương tự xảy ra với hệ thống đường sắt cao tốc"./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục